Theo Trung tâm chất lượng nước và môi trường - Phân viện Quy hoạch khảo sát thuỷ lợi Nam bộ, nhiều hệ thống kênh rạch tại địa bàn TPHCM đang bị ô nhiễm nặng. Các thành phần như nhu cầu ôxy sinh hoạch, nhu cầu ôxy hoá học, vi sinh, hàm lượng các chất lơ lững, kim loại nặng… đều vượt tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần.
Điển hình như kênh B, kênh C huyện Bình Chánh, kênh Liên Xã quận Bình Tân, kênh Tân Trụ, kênh Hy Vọng quận Tân Bình… Ngoài ra, nhiều con kênh, rạch khác của thành phố không những chỉ ô nhiễm nước thải mà còn bị ô nhiễm nặng do rác thải sinh hoạt bị vứt bừa bãi xuống lòng kênh, gây tắc dòng chảy.
Các chuyên gia môi trường cũng cảnh báo, tình trạng nước kênh rạch ô nhiễm hiện nay sẽ làm biến đổi thành phần chất lý, hoá, sinh vật trong nước, làm cho nước trở nên độc hại, nguy hại đến sức khoẻ của con người do uống nước trực tiếp hoặc sử dụng trong sinh hoạt, vệ sinh cá nhân hoặc tiếp xúc qua da. Các loại bệnh con người thường mắc phải do tiếp xúc nguồn nước ô nhiễm là tiêu chảy, thương hàn, viêm gan A, bại liệt, giun sán, bệnh ngoài da, phụ khoa, các bệnh về mắt… Nguy hại hơn là tình trạng khoáng chất vượt mức quy định gây ra như các bệnh liên quan đến gan, hệ thần kinh… Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, từ năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm Việt Nam có 20 ngàn người chết do dùng nước bị ô nhiễm và mất vệ sinh.
Điều đáng nói là cảnh báo này đã được đưa ra từ hơn 10 năm nay nhưng việc cải thiện tình trạng ô nhiễm kênh rạch vẫn chưa được xử lý hiệu quả. Lý giải cho thực tế này, các chuyên gia môi trường cho rằng có 2 nguyên nhân chủ yếu khiến kênh rạch thành phố vẫn mãi ô nhiễm, đó là tình trạng xả rác bừa bãi và xả nước thải chưa qua xử lý xuống kênh.
Trước hết là tình trạng xả rác bừa bãi, tại những tuyến kênh đã được cải tạo và có hoạt động vớt rác mỗi ngày, trung bình mỗi ngày vẫn vớt được 8 tấn rác. Nghiêm trọng hơn là tại nhiều tuyến kênh chưa được cải tạo, không được nạo vét rác định kỳ và có nhiều hộ dân sinh sống dọc hai bên tuyến kênh, thì gần như nghẹt cứng vì rác. Hàng ngày, hàng giờ vẫn có hàng trăm người dân xả rác xuống kênh bất chấp chính quyền địa phương có cảnh báo, tuyên truyền, vận động không xả rác xuống lòng kênh. Còn với nước thải sản xuất, hiện vẫn còn hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư. Họ không có đủ điều kiện đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng quy mô nhỏ lẻ, nên vì lợi nhuận vẫn cố tình xả thải ô nhiễm ra kênh.
Áp dụng biện pháp xử lý mạnh đối với hành vi vi phạm xả thải gây ô nhiễm lòng kênh là rất cần thiết. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoại trừ số ít doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm nước thải là kiểm soát được, còn lại rất nhiều doanh nghiệp khác và người dân xả rác gần như không được xử lý. Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống kênh rạch, theo các chuyên gia môi trường không thể dừng lại hành động vận động, tuyên truyền. Cần thiết phải xử lý hành vi vi phạm này. Mặt khác, phải phát huy vai trò giám sát, phát hiện của cộng đồng, nhất là những người dân sống ven kênh rạch. Cho phép xử lý bằng hình ảnh nguội do người dân ghi lại. Đồng thời, có chính sách khuyến khích người dân tham gia và phát hiện trường hợp vi phạm. Có như vậy mới giải quyết tình trạng thiếu nhân lực kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm môi trường vốn đang rất nan giải tại hầu hết các chính quyền địa phương. Nhờ vậy, chất lượng môi trường kênh rạch mới có thể cải thiện bền vững được.
MINH XUÂN