Cuối tuần qua, Bộ VH-TT-DL tổ chức họp báo công bố các hoạt động trong lễ đón nhận bằng UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dự kiến tổ chức ngày 2-4 tới tại quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định.
Một thời gian dài trong quá khứ, tín ngưỡng này bị cấm, khi lệnh cấm được dỡ bỏ thì một bức màn sương huyền ảo đã phủ lên di sản, gây tò mò cho rất nhiều người. Dù rằng hiện tượng người người, nhà nhà hầu đồng chưa xảy ra, nhưng người ta đã thấy tần suất xuất hiện của những cái mang danh là “hầu đồng” ngày một nhiều hơn. Hầu đồng xuất hiện trên thuyền của những liền anh liền chị quan họ hát giao duyên, ở hội chợ, ngày hội thơ… Không chỉ vậy, ngay sau khi được UNESCO vinh danh, các hoạt động của hầu đồng trở nên sôi nổi. Bằng chứng là đã có rất nhiều chùa thời gian gần đây lảnh lót cung văn, người đội lễ mâm xôi đầu heo, khăn áo sặc sỡ, vung tiền ném lộc làm ảnh hưởng đến cửa thiền thanh tịnh.
Chia sẻ những lo lắng này, GS Nguyễn Chí Bền phân tích: “Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thì nghi lễ lên đồng được coi là trung tâm. Đây thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần. Các giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng được kết hợp hài hòa… Việc biến tướng của di sản này chắc chắn có nếu cộng đồng không hiểu rõ giá trị của tín ngưỡng, các nhà quản lý không cương quyết, các nhà khoa học không bắt tay cùng các nhà quản lý. Tôi không ủng hộ làm hầu đồng tại bất cứ ở đâu, như ở ngoài đường ngoài chợ...”.
Theo quan điểm của GS Nguyễn Chí Bền thì việc tổ chức hầu đồng trong chùa cũng được, nếu như chùa đó có ban Mẫu, song không phải chùa nào cũng có thể tổ chức hầu đồng, đồng thời ông cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc tràn lan hầu đồng và tổ chức ở một số chùa có vị trí đặc biệt trong lịch sử, trong hệ thống di tích Việt Nam.
Một diễn biến khác, cùng với việc “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được công nhận là di sản thế giới thì các chương trình chầu văn kết hợp hầu đồng được sân khấu hóa cũng đang bùng phát. Đây cũng là chuyện đương nhiên, vì nghệ thuật là một trong những lĩnh vực rất nhạy cảm và nó là một tấm gương phản chiếu thực tại của đời sống xã hội. Song, điều đáng tiếc là ngay cả một số nhà quản lý cũng bị cuốn theo những hào nhoáng, sôi động bề ngoài mà chưa thực sự làm tròn trọng trách gìn giữ, phát huy giá trị gốc của di sản.
Trả lời trong cuộc họp báo về chương trình của lễ đón bằng vinh danh di sản này, đại diện của tỉnh Nam Định - một trong những địa phương có các trung tâm thờ thánh Mẫu - đã rất “vô tư” khi tuyên bố sẽ không có phần trình diễn của các nghệ nhân trong lĩnh vực này. Vị này còn nhấn mạnh: “Chương trình vinh danh di sản chứ không phải là biểu diễn hầu đồng”. Điều này liệu có phải đi ngược lại với những đầu việc mà Bộ VH-TT-DL đã soạn thảo ra nhằm hạn chế biến tướng của di sản này, khi nhấn mạnh nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến để các thanh đồng hiểu được giá trị nhân văn cao đẹp, tiếp đó là tuyên truyền giá trị di tích đến cộng đồng; vinh danh khen thưởng, khuyến khích cung văn giỏi…
Lễ đón nhận bằng vinh danh di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đang tới gần nhưng câu chuyện bài toán “hậu vinh danh” với những mối lo về biến tướng, trục lợi từ di sản vẫn đang hiển hiện.
Theo Thanh tra Bộ VH-TT-DL, việc xử phạt biến tướng hầu đồng và trục lợi sẽ được thực hiện theo Nghị định 158 của Chính phủ ngày 12-11-2013 (hiện tại nghị định này đang được chỉnh sửa). Tại Điều 15 khoản 2, mục a và Điều 23, khoản 2, mục a quy định rõ các hành vi bị xử phạt. Nhưng thực tế chưa trường hợp xử phạt nào dược ghi nhận. Với trường hợp này, dường như các giải pháp mềm mới có hy vọng đưa hầu đồng trở về với đúng quỹ đạo, như một nhà nghiên cứu văn hóa đã nói - chỉ có làm tốt việc phổ biến giá trị đích thực của nghi lễ thực hành thờ Mẫu Tam phủ, đừng để văn hóa nhuốm màu huyền bí thì mới mong đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong các giá hầu.
MAI AN