Giải quyết bài toán thiếu mặt bằng
Theo các chuyên gia về thủy lợi, các hiến kế giúp chống ngập đều rất đáng hoan nghênh, nhưng cho dù là hồ điều tiết hay dùng máy bơm thì cũng chỉ có thể đạt hiệu quả khi đặt những giải pháp này vào đúng vị trí trong kế hoạch chống ngập tổng thể của TPHCM.
Hồ điều tiết nước là một giải pháp đã được đề cập từ lâu, theo điều chỉnh quy hoạch thoát nước của TPHCM (đang trình UBND TP xem xét, phê duyệt) sẽ có 104 hồ. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện đã gặp nhiều khó khăn về vấn đề mặt bằng. Vì thế, việc đưa vào thi công hồ điều tiết đầu tiên đã nhận được nhiều sự quan tâm từ phía người dân cũng như cơ quan chức năng về hiệu quả chống ngập của giải pháp này. Theo các DN tài trợ, hồ điều tiết sử dụng công nghệ cross-wave (Nhật Bản), không cần xây dựng bê tông hóa mà tạo không gian trữ nước mưa bằng việc lắp ghép các kết cấu nhựa, chứa nước khi trời mưa để không chảy tràn ra mặt đường; khi hết mưa có thể xả thấm vào lòng đất hoặc bơm thoát ra cống. Hồ làm từ vật liệu nhẹ, thân thiện với môi trường và dễ dàng tháo lắp linh hoạt, nằm ngầm dưới đất, trả lại không gian bên trên cho các hoạt động của đô thị. Hồ điều tiết ngầm tại Thủ Đức có diện tích 90m2, dung tích khoảng 110m3, mục tiêu là giảm ngập cho đường Võ Văn Ngân - khu vực Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức và lân cận.
Các hồ điều tiết phục vụ đa mục đích, ngoài trữ nước chống tràn mặt đường còn có ý nghĩa ứng phó biến đối khí hậu thông qua việc giúp điều hòa không khí. Bên cạnh đó, hồ điều tiết này nằm cao hơn cống thoát nước, chỉ trữ nước mưa, nên có thể tái sử dụng nước để tưới cây, chữa cháy, hoặc có thể cho thẩm thấu bổ sung vào nguồn nước ngầm để sử dụng trong bối cảnh nguồn nước ngày càng suy giảm.
Chỉ là giải pháp bổ trợ
Nhận xét về mô hình hồ điều tiết ngầm, ông Hồ Long Phi, chuyên gia về quản lý nguồn nước, cho rằng trong lúc việc triển khai các hồ điều tiết tập trung đang vướng - chủ yếu về mặt bằng - thì xây dựng các hồ điều tiết ngầm tận dụng được không gian cũng là một lựa chọn cần thiết trong điều kiện đất đai hạn hẹp. Tuy đây là một mô hình hay, nhưng ông Phi e ngại việc phát triển, nhân rộng chưa thể thực hiện được trong thời gian trước mắt. Thứ nhất, TPHCM chưa có vốn để đầu tư vào mô hình này, nếu có DN hay tổ chức nào tiếp tục tài trợ thì tốt. Quan trọng hơn là Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng hồ điều tiết ngầm, cũng như quy định về suất đầu tư, nên chưa thể duyệt dự án. Nhưng có thông tin lạc quan cũng được ông Phi cập nhật là Bộ Xây dựng đang khuyến khích việc sử dụng các công nghệ mới trong công tác xây dựng đô thị nói chung, chống ngập nói riêng. Vì thế, việc đưa vào thi công hồ điều tiết ngầm này cũng là một trường hợp cụ thể để tham khảo, tổng hợp, xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, định chế tài chính…
Nhìn trong tổng thể, chuyên gia Hồ Long Phi khuyến cáo không nên quá kỳ vọng vào khả năng chống ngập của hồ điều tiết ngầm nói riêng, cũng như các hồ điều tiết nói chung. Bởi vì, theo tính toán lượng mưa, mức độ tác động của biến đổi khí hậu và tỷ lệ đô thị hóa của TP, thì để trữ nước, giảm ngập, cần dung tích chứa đến hàng chục triệu mét khối, tức là phải đầu tư cả trăm hồ điều tiết như quy hoạch thoát nước thì mới thấy rõ hiệu quả. Mặt khác, nguyên lý chính của chống ngập là thoát nước chứ không phải trữ nước, yếu tố quyết định giảm ngập vẫn là hệ thống thoát nước.
Cho nên, việc cần làm hàng đầu vẫn là sắp xếp nguồn vốn đầu tư hệ thống thoát nước tại các tuyến đường chưa có cống thoát nước ở quận 2, quận 9, Hóc Môn…; đồng thời duy tu, cải tạo hệ thống thoát nước cũ để nâng cao năng lực thoát nước. “Trong kế hoạch chống ngập tổng thể của TP, việc xây dựng các hồ điều tiết là cần thiết, nhưng phải hiểu đây là giải pháp bổ trợ để giảm ngập chứ không phải giải pháp chính chống ngập. Các hồ điều tiết nhằm chứa nước ở các khu vực chưa có hệ thống thoát nước hay hệ thống bị quá tải. Vì thế, không nên đặt vấn đề là có hồ điều tiết thì có hết ngập hay không”, chuyên gia Hồ Long Phi nhấn mạnh.
Chỉ giải quyết được ngập cục bộ ở khu vực hẹp
Đồng quan điểm với chuyên gia Hồ Long Phi, GS-TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi TPHCM, cho rằng muốn giảm ngập phải có hệ thống thoát nước tốt: “Các hồ này cũng chỉ dùng để chứa lúc trời mưa, hết mưa thì phải cho thoát nước đi để có không gian trữ các đợt mưa tiếp theo”.
GS-TS Nguyễn Ân Niên cũng khuyến cáo, với dung tích nhỏ, các hồ điều tiết ngầm chỉ giải quyết được ngập cục bộ ở khu vực hẹp và trong điều kiện mưa vũ lượng nhỏ, vì thế trong quy hoạch nên bố trí tại các khu vực đất công cộng như trường học, công viên, sân bay… theo hướng tận dụng đất. Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh địa chất TPHCM đa phần là nền đất yếu, cần khảo sát kỹ để có hướng xử lý nền đất phù hợp, nhằm tránh tình trạng bị sụt lún khi lắp đặt hồ.