Dung Quất: An sinh cho người nhường đất?

Chiếm đất để “treo”
Dung Quất: An sinh cho người nhường đất?

Năm 2011, Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (Quảng Ngãi) tròn 15 tuổi. Hàng trăm doanh nghiệp đã tìm đến đầu tư với số vốn trên 10 tỷ USD, thu ngân sách của Quảng Ngãi từ chưa đầy 1.000 tỷ đồng nay đã lên gần 18.000 tỷ đồng, cho thấy hiệu quả từ Dung Quất mang lại. Nhưng phía sau “hào quang” ấy, hàng ngàn hộ dân nhường đất cho các dự án đến nơi ở mới vẫn đang trải qua cuộc sống đầy khó khăn.

Số lao động có tay nghề tại Dung Quất hiện chưa theo kịp sự phát triển và nhu cầu của các doanh nghiệp trong khu kinh tế.

Số lao động có tay nghề tại Dung Quất hiện chưa theo kịp sự phát triển và nhu cầu của các doanh nghiệp trong khu kinh tế.

Chiếm đất để “treo”

Chúng tôi tìm về khu tái định cư (TĐC) Đồng Rướng thuộc thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, nơi đang có 48 hộ nông dân phải rời bỏ đồng đất quê mình về đây sinh sống.

Ông Nguyễn Văn Xuân (57 tuổi) cho biết: “Gia đình tôi bị thu hồi hơn 9.000m² đất nông nghiệp tại đội 10, thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận. Đất thì giao một lần, còn tiền đền bù chỉ nhận nhỏ giọt, thành nhiều đợt. Ban đầu, giá đền bù chỉ có 5.100 đồng/m². Từ năm 1997 đến nay, tôi đã nhận 6 lần tiền, lần sau cùng (năm 2004) giá đền bù tăng lên mức cao nhất nhưng cũng chỉ đạt 89.000 đồng/m². Gia đình tôi từ trước đến nay chỉ làm nông nghiệp, không còn ruộng, buộc phải mua gạo về ăn. “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, tiền đền bù nhận rải rác nên tiêu pha hết, đến khi chuyển về khu tái định cư không còn đủ tiền làm cái nhà cho đàng hoàng. Hiện cả 6 khẩu trong gia đình phải tỏa đi làm thuê làm mướn kiếm tiền sinh sống”.

Ông Đinh Văn Toàn, Khu phó Khu TĐC Đồng Rướng, cho biết thêm: “Những hộ sống ở địa phương này lâu đời nhất, có ruộng đất nhiều nhất nhưng tiền đền bù cao lắm cũng chỉ hơn 150 triệu đồng”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, công tác quản lý đất đai tại KKT Dung Quất đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo báo cáo của KKT Dung Quất, từ giữa năm 2006 trở về trước, Ban quản lý KKT đã cấp 273 chứng chỉ quy hoạch cho 228 dự án dài và ngắn hạn với tổng diện tích gần 2.500ha. Trong đó có 49 chứng chỉ cấp cho 49 dự án với diện tích hơn 580ha nhưng các nhà đầu tư không triển khai đầu tư theo quy định, nhiều diện tích bị... “treo”.

Kết quả thanh tra của cơ quan Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi cho thấy: Ngoài việc Ban quản lý KKT Dung Quất thực hiện chưa đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, thanh tra tỉnh còn phát hiện 23 dự án được chủ đầu tư sử dụng đất trước khi cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, 8 dự án chưa được cấp thẩm quyền cho thuê đất, 10 dự án chủ đầu tư sử dụng đất sai mục đích, 8 dự án chủ đầu tư cho thuê lại mặt bằng... Thực tế này giải thích vì sao những hộ dân nhường đất xây dựng KKT Dung Quất trở nên bức xúc đến vậy, nhất là khi biết ruộng đất của mình bị bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích.

Hiệu quả chuyển đổi ngành nghề thấp

Kết quả điều tra lao động, việc làm tại 10 xã, vùng phụ cận có liên quan trong KKT Dung Quất, số hộ sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm 51,36% (11.364/22.127 hộ). Điều này cho thấy, hiệu quả công tác chuyển đổi ngành nghề theo hướng công nghiệp và dịch vụ còn thấp sau 15 năm hình thành và phát triển KKT. Đến nay, có gần 12.000 lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp trong KKT Dung Quất. Trong đó, lao động có hộ khẩu tại Quảng Ngãi chiếm 77,8%, riêng lao động có hộ khẩu tại Bình Sơn chiếm 59%. Ngoài ra, còn có trên 3.000 lao động làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, dịch vụ. Với hai nguồn số liệu thống kê trên, lao động trong KKT đã có bước chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, nhất là lao động trẻ. Tuy nhiên, số lao động dôi dư, lao động trong độ tuổi lao động nhưng chưa có việc làm vẫn còn cao. Riêng nhóm tuổi 18 - 35, số người chưa có việc chiếm tỷ lệ 15,6%; tỷ lệ người chưa có việc làm chiếm tỷ lệ cao so với mặt bằng chung của cả nước (toàn quốc tỷ lệ này là 4,9%) và lao động trái ngành nghề được đào tạo là 20%.

Để giải quyết cơ bản về số lao động dôi dư, chuyển đổi ngành nghề hiệu quả khi thu hồi đất đầu tư xây dựng phát triển KKT Dung Quất, các nhà quản lý lao động của Quảng Ngãi cho rằng cần ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng đối với các trường đào tạo nghề hiện nay; liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong cả nước về công tác đào tạo; chủ động thực hiện việc xã hội hóa công tác đào tạo nghề, lấy chất lượng đào tạo làm thước đo; đào tạo có địa chỉ và theo đơn đặt hàng của đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng. Bên cạnh đó, cần bố trí đủ vốn để tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, đảm bảo đạt các tiêu chí “nông thôn mới”…

Hà Minh

Tin cùng chuyên mục