Những năm gần đây nạn bạo lực học đường ngày càng trở nên nhức nhối, các cơ quan chức năng đã đề ra nhiều biện pháp xử lý, nhưng do thực hiện không nghiêm, chưa đủ độ răn đe nên hiệu quả không cao.
Mới đây lại xuất hiện thêm trường hợp đau lòng. Một nữ sinh bị một nhóm thiếu nữ đánh đến chấn thương sọ não chỉ vì “nhìn thấy ghét”. Nạn nhân là Nguyễn Thị Tuyết, 19 tuổi, ở ấp Tân Thuận, xã Đông Phước, thị trấn Ngã Sáu, tỉnh Hậu Giang. Khoảng 20 giờ ngày 1-5, khi Tuyết đang uống cà phê trong quán thì bị hai cô gái kêu ra ngoài “nói chuyện” và cho rằng Tuyết đã liếc nhìn, chỉ trỏ mình. Sáu cô gái trong độ tuổi mới lớn đã dùng chai thủy tinh và vật cứng vừa đánh vừa nhục mạ nạn nhân đến ngất xỉu. Khi Tuyết tỉnh lại, đứng lên vùng vẫy định bỏ chạy thì tiếp tục bị nhóm này chặn đánh ngất xỉu. Chỉ đến khi người chủ quán ra can ngăn, nạn nhân mới được tạm tha.
Không thể chỉ đổ lỗi giới trẻ bị tiêm nhiễm, lây truyền cái xấu từ truyền thông, từ thế giới mạng. Những hành động xấu, lối cư xử không đúng chuẩn mực của người lớn vẫn hàng ngày diễn ra trước mắt các em: cầu thủ đánh nhau trên sân cỏ, cổ động viên choảng nhau trên khán đài, cảnh chen lấn xô đẩy, đánh nhau vì một chỗ ngồi, chỗ đậu xe… khiến nhiều em lầm tưởng bạo lực có thể giải quyết mọi việc. Vì thế, các em càng muốn khẳng định mình là “đại ca”, là “bậc đàn anh, đàn chị”…
Ngược lại, khi tiếp xúc với nhiều hình ảnh bạo lực cũng gây cho các em cảm giác không an toàn, bất cứ khi nào ra đường cũng phải cảnh giác và những điều nho nhỏ cũng có thể là mối họa mà các em cần phản ứng trước để phòng trừ.
Để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường đang gia tăng, trong thời gian qua nhiều đơn vị giáo dục, cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc họp để “mổ xẻ” vấn đề và đã đưa ra khá nhiều giải pháp, nhưng chủ yếu mang tính giáo dục, nhắc nhở, răn đe...
Nếu chỉ có bấy nhiêu thì chưa đủ và còn lâu mới chấn chỉnh được tình trạng này. Việc phụ huynh nhờ người đến năn nỉ, xin xỏ giảm nhẹ mức phạt, hình thức kỷ luật cho con em mình khi vi phạm còn khá phổ biến. Và nhiều nơi, vì tình cảm, lý do này nọ... thường dễ dãi, nể nang, cho qua những trường hợp sai phạm đáng lý ra phải xử lý kỷ luật thật nặng.
Ở Singapore, học sinh, sinh viên chỉ vi phạm hút thuốc lá trong giờ học là bị đuổi học. Hay như nước láng giềng Campuchia, nếu thanh thiếu niên tổ chức đua xe trái phép, ngoài bị phạt tiền, phạt tù, đối tượng vi phạm còn bị tịch thu phương tiện sung công quỹ và người làm cha, làm mẹ, nếu là công chức nhà nước thì cũng phải chịu trách nhiệm liên đới… Thay vì “sốt” với những clip, những vụ đánh nhau, người lớn nên dành thời gian yêu thương, quan tâm, hành động và cư xử đúng đắn hơn để làm tấm gương cho các em.
Bên cạnh đó, chúng ta đừng thờ ơ với những cái xấu, xem đó là chuyện của trẻ con mà cần phải nhìn nhận bạo lực học đường như một vấn nạn cần chung tay phòng chống. Khi nhà trường và các cơ quan chức năng quản lý chặt và xử lý nghiêm mọi trường hợp học sinh đánh nhau mới mong tình hình có chuyển biến tích cực.
THANH AN