Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để xây dựng TPHCM thông minh, chính quyền điện tử, thành phố cần có kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2020 TPHCM phủ sóng 5G được tới các khu công nghiệp, các khu nghiên cứu, các trường đại học... và chậm nhất đến năm 2022, phủ sóng 5G toàn thành phố. Như vậy TPHCM sẽ tương đương TP NewYork (Mỹ) về hạ tầng viễn thông.
Gần đây, chúng ta đã nghe nhiều đến 5G - là từ được sử dụng đại chúng cho thế hệ tiếp theo của công nghệ mạng di động 4G. 5G hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi lớn, đó là tăng dung lượng và tốc độ cho thông tin băng rộng; tạo nền tảng thuận lợi giúp thúc đẩy sáng tạo và phát triển trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, như: giải trí, giao thông vận tải, sản xuất chế tạo, y tế, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp, xây dựng thành phố thông minh..., cũng như tạo ra sự kết nối không giới hạn cho tất cả. Câu hỏi đặt ra là, cần chuẩn bị những gì từ bây giờ để có thể tận dụng cơ hội này?
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu thuê bao di động có kết nối dữ liệu, chiếm 30% tổng số thuê bao di động. Trong đó, kết nối dữ liệu chủ yếu sử dụng gửi tin nhắn, gọi điện thoại, duyệt web, phát và xem video, sử dụng mạng xã hội, đặt xe, mua bán trực tuyến, dịch vụ ngân hàng trực tuyến... Trên thực tế, những nhu cầu này hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi hạ tầng mạng 4G như hiện tại mà không phải chờ đến 5G. Ngay như trong vấn đề kẹt xe, lâu nay chúng ta bàn và triển khai nhiều giải pháp chống kẹt xe. Trong đó, giải pháp liên quan đến công nghệ mới chỉ là lắp đặt camera giao thông, tích hợp thông tin giao thông lên Zalo và hỗ trợ tra cứu bằng chatbot giúp người dân nhanh chóng nắm được lưu lượng xe cộ. Trong khi đó, giải pháp phát triển mạnh các ứng dụng trực tuyến để góp phần giảm ùn tắc giao thông, thì chưa tính đến.
Với hàng loạt ứng dụng, dịch vụ trực tuyến như: đào tạo, mua sắm, đặt và cung cấp suất ăn tận nhà..., nếu lâu nay được phát triển và ứng dụng thật mạnh mẽ, cũng đã góp phần giảm đáng kể lượng người tham gia giao thông. Ví dụ như, trong lĩnh vực đào tạo, việc tổ chức luyện thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELS, SAT..., các tổ chức quốc tế đã triển khai trực tuyến từ hơn 10 năm nay trên nền công nghệ 3G, 4G, chất lượng vẫn được đảm bảo. Việc tổ chức thi cũng vậy, họ không phải điều động trực thăng mang đề thi ra đảo như ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua. Đề thi các chứng chỉ ngoại ngữ này được mã hóa gửi đến các trung tâm qua Internet, rồi tổ chức thi và chấm bài cũng qua Intrenet.
Ở góc độ khác, đó là số người sử dụng những thiết bị chỉ có công nghệ 2G, 3G vẫn chiếm đa số, nên khi triển khai mạng 5G người dùng sẽ phải thay đổi thiết bị của họ. Bên cạnh đó, các hạ tầng công nghệ thông tin đang triển khai tại các doanh nghiệp vẫn là công nghệ cũ. Để sẵn sàng cho công nghệ 5G, các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi hạ tầng công nghệ thông tin của họ. Đằng sau việc tiếp nhận một dữ liệu thông tin rất lớn, các doanh nghiệp còn phải biết cách khai thác, phân tích dữ liệu đó để tạo ra những thay đổi trong kinh doanh. Những việc này sẽ tiêu tốn khoản kinh phí không hề nhỏ.
Trong thời gian đầu triển khai công nghệ 5G, chắc chắn sẽ có không ít khó khăn, tốn kém, rủi ro đối với các nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức, cá nhân. Để 5G thực sự là một trong những mũi nhọn mang tính đột phá, ngay từ bây giờ, thành phố cần xây dựng chiến lược phát triển và ứng dụng di động băng rộng cùng lộ trình triển khai 5G, chú trọng đặc biệt phát triển các ứng dụng và các mô hình kinh doanh dịch vụ 5G. Cùng với đó, chủ động khắc phục các mặt trái của công nghệ 5G, trong đó có vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể nảy sinh. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần có sự sáng tạo, đột phá trong tư duy, trong chính sách và cách tiếp cận công nghệ mới.