Trên nền tảng công nghệ, những năm gần đây xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới với sức cạnh tranh vượt trội so với những cách làm ăn truyền thống của các doanh nghiệp (DN) trong nước. Chẳng hạn phương thức kinh doanh khai thác tài nguyên sẵn có của người dùng (thường gọi là kinh tế chia sẻ) như các ứng dụng công nghệ trong ngành vận tải, du lịch, đào tạo, tư vấn sức khỏe, bán hàng trực tuyến, phần mềm quản trị sản xuất linh hoạt… Sự xuất hiện bất ngờ của đối thủ tiềm ẩn và sản phẩm thay thế làm nhiều DN không kịp thích ứng.
Có người cho rằng, không ít DN trong nước phản ứng như “những đứa trẻ bị ai đó giật mất miếng bánh” trước sự cạnh tranh của DN nước ngoài. Ví von đó chỉ là tương đối nhưng phản ánh sự bất ngờ, bị động của không ít DN Việt Nam trong quá trình phát triển bởi còn có “tư duy nội địa” (khách hàng nội địa, đối thủ nội địa, công nghệ nội địa). Việc phản ứng của một hãng taxi truyền thống để phản đối taxi công nghệ, hay một số cây xăng đã căng băng rôn khi một DN đến từ Nhật Bản mở trạm xăng đầu tiên tại Hà Nội… là những phản ứng nóng vội, tạo ra hiệu ứng ngược: làm người tiêu dùng tò mò thêm về sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.
Với cách phản ứng đối với DN ngoại như vừa kể trên, chứng tỏ nhiều DN nước ta chưa chuẩn bị “tâm thế mới” để ứng phó với cạnh tranh toàn cầu. Một sản phẩm cạnh tranh thành công, ngoài chất lượng cao phải đảm bảo sự khác biệt, đem lại tiện lợi tối đa cho khách hàng. Taxi truyền thống chưa đảm bảo được thuộc tính căn bản này.
Khi taxi công nghệ ra đời, cũng phải nhìn nhận công bằng là taxi truyền thống chưa được đối xử công bằng về điều kiện kinh doanh. Hai loại hình taxi này hoạt động theo hai khung pháp lý khác nhau. Trong khi taxi công nghệ hoạt động theo đề án ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối với hành khách theo hợp đồng, thì taxi truyền thống phải đáp ứng rất nhiều điều kiện kinh doanh: phải đóng nhiều loại thuế, phí, không được chạy một số tuyến đường giờ cao điểm… Không chỉ xảy ra riêng trong câu chuyện về taxi ồn ào thời gian qua, hiện nay, các phương thức kinh doanh mới chẳng những chiếm được ưu thế cạnh tranh mà còn tránh né được nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, bởi công cụ quản lý của Nhà nước chưa thể theo kịp sự năng động của thị trường. Nhiều phương thức kinh doanh mới nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật về nghĩa vụ thuế và các điều kiện kinh doanh, tạo ra sự bất bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ tuân thủ pháp luật giữa DN kinh doanh truyền thống với DN kinh doanh theo phương thức mới, càng thúc đẩy DN theo phương thức kinh doanh truyền thống đi đến bờ vực phá sản sớm hơn nếu không kịp thời tái lập lợi thế mới để thích ứng.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh mới, vấn đề hạn chế nguồn lực, thị trường không còn là cản trở phát triển của DN, mà vấn đề chủ yếu lại là năng lực kết nối và sử dụng nguồn lực. Chính sách nhà nước giữ vai trò quan trọng thúc đẩy năng lực khai thác và sử dụng nguồn lực để DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì thế, trong phân tích và thiết kế chính sách phát triển DN, cần nhất quán nguyên tắc nguồn lực phát triển trên phạm vi toàn cầu, không chỉ gói ghém trong phạm vi thành phố, địa phương. Trong đánh giá năng lực cạnh tranh, so sánh các tiêu chuẩn ngành, công nghệ, nhân lực, thị trường,… cần đặt trong lợi thế so sánh trên phạm vi toàn cầu. Khi phóng tầm nhìn rộng hơn về nguồn lực phát triển, sẽ dễ dàng đề ra những mục tiêu, chương trình, dự án lớn hơn, xa hơn.
Nhà nước cần tiếp sức DN phát triển, bằng cách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự ra đời những phương thức kinh doanh mới, kịp thời ban hành chính sách pháp luật đảm bảo sự bình đẳng trong cạnh tranh, nhất là sự bình đẳng trong tuân thủ pháp luật về nghĩa vụ nộp thuế, tích cực cải cách hành chính và tạo động lực cho các bộ công chức nâng cao chất lượng hoạt động công vụ. Đồng thời tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ trở ngại cho DN gia nhập thị trường, chính sách thu ngân sách cần tầm nhìn dài hạn. Đã đến lúc cần xây dựng chương trình hỗ trợ đặc biệt giúp DN nâng cao năng lực thích ứng với bối cảnh hội nhập và tiếp cận công nghệ 4.0. Nên xem đây là chương trình đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong bối cảnh mới.