Sau phiên thảo luận tổ ngày 22-5, hôm qua 27-5, chất lượng làm luật tiếp tục là vấn đề nổi lên trong phiên thảo luận của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi bàn về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 cũng như chương trình xây dựng luật pháp của Quốc hội.
Luật BHXH năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 và chưa đến thời điểm có hiệu lực thi hành (1-1-2016). Nhưng thật hy hữu, trước thực tế đòi hỏi của cuộc sống, Chính phủ đã phải trình Quốc hội sửa Điều 60 của luật này về vấn đề hưởng BHXH một lần. Cụ thể, trước mắt, cho phép người lao động (NLĐ) khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006.
Để trình ra sửa một điều luật còn chưa có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của NLĐ, của MTTQ, Tổng LĐLĐ Việt Nam... Đề xuất của Chính phủ nhận được hai luồng ý kiến: đồng thuận và phản đối từ phía dư luận. Có ý kiến cho rằng, Chính phủ đã kịp thời lắng nghe thực tế cuộc sống để điều chỉnh luật pháp, nhưng cũng có ý kiến cho rằng vì sức ép dư luận mà phải sửa một điều luật vốn hướng đến cái đích nhân đạo, văn minh, vì vậy đó là một bước lùi.
Ngay tại diễn đàn Quốc hội, ý kiến của các vị ĐBQH cũng không phải thống nhất. Ngoài các ĐB tán thành việc sửa đổi để thêm sự lựa chọn cho người dân, phù hợp yêu cầu bức xúc của thực tiễn, vẫn còn những ý kiến cho rằng việc sửa điều luật này là vội vã và có thể là tiền lệ xấu. Cơ bản các ĐBQH đồng ý là chưa vội sửa Điều 60 mà chỉ nên ban hành một nghị quyết tạm dừng thực hiện Điểm a Điều 60; kéo dài thời hạn thực hiện luật cũ, cùng với đó tiến hành khảo sát, nghiên cứu đối với từng ngành nghề cụ thể để nâng dần tiêu chuẩn được nhận BHXH một lần trước khi sửa Luật BHXH một cách toàn diện.
Dù Quốc hội quyết định “sửa” theo cách nào thì ở khía cạnh làm luật pháp, đây cần được coi là một bài học lớn và người dân không muốn điều đó lặp lại. Một số ĐBQH liên hệ câu chuyện sửa Điều 60 Luật BHXH để chia sẻ về nỗi trăn trở trong công tác xây dựng luật pháp hiện nay. Dễ dàng nhận thấy, khi một dự án luật được thông qua chỉ với tỷ lệ từ 50% - 70% số phiếu thì bản thân nó vẫn còn nhiều vấn đề gây băn khoăn. Đơn cử như 2 luật mà kỳ họp thứ 8 thông qua với tỷ lệ thấp thì đến nay thực tiễn đều cho thấy là có vấn đề. Luật BHXH 2014 phải đề xuất sửa Điều 60 còn Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng đã bị kiến nghị xem xét lại. Nhiều ĐBQH nhìn nhận những luật mà còn quá nhiều ĐBQH băn khoăn khi bấm nút hoặc không bấm nút thông qua thì không nên vội vàng thông qua chỉ để... đúng kế hoạch. Vì nếu không, sẽ dẫn đến tình trạng luật ra đời nhưng không đi vào cuộc sống, hoặc ra đời chưa có hiệu lực đã phải tính chuyện sửa sai.
Khi thảo luận về công tác xây dựng luật pháp, các ĐBQH đều rất bức xúc với chất lượng làm luật hiện nay. Nhiều ĐB cho rằng, phải đổi mới mạnh hơn nữa cách thảo luận ở hội trường, mở không gian tranh luận nhiều hơn, tránh tình trạng ĐBQH chỉ góp ý vào điều mà dự thảo đưa ra. Những vấn đề còn nhiều tranh luận thì cần có thêm phương án để ĐBQH lựa chọn và biểu quyết. Hoặc có những vấn đề nên mở cho đối tượng chịu tác động chọn lựa chứ không nên áp đặt cứng nhắc một phương án. Nếu làm được điều đó, chắc chắn luật pháp sẽ sát hơi thở nóng bỏng thực tiễn hơn, “trường thọ” hơn và có sự đồng thuận cao hơn từ nhân dân. Cần tránh tình trạng một luật được Quốc hội thông qua tuy đúng quy trình, chủ trương, không có gì sai nhưng vẫn bị thực tế chối bỏ, do không lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Đó là chưa kể, có nhiều luật không thực sự cần thiết mà chỉ cần một nghị định, nghị quyết nhưng vẫn được ban hành ra rồi để đó.
LÂM NGUYÊN