Cũng giống như việc đồng loạt tăng giá cước internet 3G giữa tháng 10-2013, việc hàng loạt các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa lớn như: Vinamilk, Mead Johnson Nutrition, Nestlé Việt Nam, Friesland Campina… cùng đồng loạt tăng giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã khiến dư luận băn khoăn về tính hợp lý của thời điểm các doanh nghiệp tăng giá. Còn nhớ, trước đây, dù Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đưa ra kết luận 3 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường là MobiFone, Viettel, Vinaphone (chiếm 97%) không bắt tay tăng giá song kết luận đó vẫn chưa thể giải đáp hết được băn khoăn là tại sao doanh nghiệp cùng đồng loạt tăng giá?
Câu hỏi tương tự đang một lần nữa được đặt ra với mặt hàng sữa: tại sao giá sữa lại có thể tăng đồng loạt vào cùng thời điểm? Liệu việc tăng giá sữa vừa qua có sự thỏa thuận gây thiệt hại đến người tiêu dùng?
Bởi dù các doanh nghiệp lý giải việc tăng giá sữa do nguyên liệu nhập khẩu thế giới tăng mạnh, giá thu mua nguyên liệu trong nước tăng cao nhưng với việc giá sữa liên tục tăng từ 2007 mà không giảm cho thấy, việc tăng giá mặt hàng thiếu sự minh bạch cần thiết.
Trong một báo cáo về thị trường sữa Việt Nam do một công ty chứng khoán công bố trước đây cho thấy, thị phần của sữa bột trẻ em năm 2008 của Abbott Việt Nam, Vinamilk, Mead Johnson Nutrition, Nestlé Việt Nam, Dutch Lady Việt Nam chiếm đến trên 75%. Trong đó, phân khúc thị trường cao cấp chủ yếu nằm trong tay các hãng sữa nước ngoài với các dòng sản phẩm sữa nhập khẩu. Còn theo báo cáo của tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh), năm 2010, tính chung thị phần sữa bột tại Việt Nam, Abbott là công ty đang chiếm ưu thế với khoảng 24% thị phần, tiếp theo sau là Vinamilk, Mead Johnson Nutrition, Friesland Campina.
Chính vì vậy, người tiêu dùng có lý để lo ngại về việc liên kết, bắt tay nhau tăng giá hàng hóa của các hãng sữa. Những quan ngại về biểu hiện liên kết này cũng đã từng xảy ra ở những mặt hàng khác. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị Bộ Công thương, Cục Quản lý cạnh tranh cùng với các bộ, ngành liên quan bám sát việc giải trình tăng giá của những doanh nghiệp lớn cùng lại tăng giá một ngày để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Và, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành có liên quan, trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Tài chính kiểm tra việc 4 doanh nghiệp lớn nêu trên cùng tăng giá sữa. Nếu vi phạm xử lý kiên quyết theo quy định pháp luật.
Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương hôm qua (3-3), các đại diện bộ này cho biết, trong sáng nay (4-3), hai bộ sẽ họp bàn xung quanh vấn đề quản lý mặt hàng này với sự tham gia của các vụ, cục chức năng liên quan. Còn theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cục này sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Tài chính sẽ kiểm tra giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, có bán sữa đúng giá niêm yết hay không… Đồng thời, yêu cầu các chi cục địa phương thực hiện các chỉ đạo của Bộ Tài chính về quản lý mặt hàng sữa.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cũng cho biết, cơ quan này đã biết trước khả năng tăng giá sữa của các doanh nghiệp do nắm được các số liệu về nguyên liệu, giá sữa trong nước và thế giới. Ông Nam cho rằng, sữa là mặt hàng có sự cạnh tranh khốc liệt nên chưa xuất hiện các hành vi phản cạnh tranh. Trước phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, cục sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập hợp dữ liệu và tiến hành điều tra, xác minh cụ thể nhằm kiểm soát giá mặt hàng này.
Sau những phản ánh, bức xúc của công luận và người tiêu dùng về những bất cập trong công tác quản lý giá sữa, việc các doanh nghiệp cùng “hè nhau” tăng giá, lại một lần nữa đặt trách nhiệm đối với Cục Quản lý cạnh tranh trong việc điều tra các doanh nghiệp có vi phạm Luật Cạnh tranh. Rõ ràng, với những biến động mạnh của mặt hàng sữa thời gian gần đây đòi hỏi các cơ quan quản lý, mà cụ thể ở đây là các bộ: Y tế, Công thương, Tài chính cũng như các địa phương phải có động thái quyết liệt hơn, không thể để doanh nghiệp có thể “móc túi” người tiêu dùng một cách phi lý bằng cách tăng giá tùy tiện. Đồng thời xử phạt nghiêm minh các vi phạm tránh kết luận, xử lý theo kiểu “hòa cả làng”.
QUANG MINH