Nói về giao thông (kể cả đường bộ, đường thủy lẫn đường hàng không), nếu tất cả mọi người ai cũng đòi đi thẳng thì tai nạn sẽ liên tục xảy ra, lúc đó sẽ không còn là giao thông nữa, không cần phải học và mở trường dạy về giao thông làm gì nữa...
“Đường bay vàng” mà các phương tiện thông tin đại chúng nói đến, tôi chưa thấy đường bay đâu mà chỉ thấy đường kẻ. Một đường kẻ nối hai sân bay TSN và Nội Bài. Đường bay là đường để máy bay bay thì phải có hướng, cự ly, các điểm kiểm tra, các điểm vòng, các ký hiệu của các thiết bị hỗ trợ mặt đất, sơ đồ khái quát cất hạ cánh. (sơ đồ khái quát thuộc về đường bay, sơ đồ chi tiết thuộc về sơ đồ tiếp cận). Chỉ được phép tính hiệu quả kinh tế trên một đường bay như vậy, chứ không phải trên một đường kẻ.
Về nguyên tắc đường bay ở nước nào thì do ngành HK nước đó vẽ (nếu qua nhiều nước thì các nước hợp tác với nhau). Vẽ xong đặt tên rồi trình lên chính phủ. Chính phủ phê duyệt, công bố chủ quyền, hạn ngày sử dụng (ngành HK cũng có thể tự làm các bước này, nhưng phải được Chính phủ ủy quyền). Đồng thời báo cáo lên văn phòng Hiệp hội HK Quốc tế (ICAO). ICAO xem xét (do vậy khi vẽ phải thật đúng) rồi bổ sung đường bay này vào bản đồ đường bay (JEPPESEN) (chỉ có ICAO mới được phát hành Jeppesen, ngành HK dân dụng thế giới chỉ dùng Jeppesen để bay).
Tài liệu của ICAO hiện nay được cập nhật hàng ngày đến các hãng HK. Hoàn tất các bước này cũng mất khoảng một năm. Đến lúc này ta mới được triển khai các bước để khai thác đường bay.
Qua tham khảo, tôi thấy, cốt lõi của “đường bay vàng” là được kẻ từ tâm sân bay Nội Bài đến tâm sân bay TSN. Do đó thời gian bay chỉ được tính từ khi máy bay ở trên đỉnh sân bay Nội Bài cho đến khi máy bay đến trên đỉnh sân bay TSN. Như vậy tác giả “đường bay vàng” không tính thời gian bay từ khi máy bay cất cánh đến khi “leo” được đến đỉnh sân bay Nội Bài và thời gian bay từ khi máy bay ở trên đỉnh sân bay TSN đến khi máy bay hạ cánh chạm đất. Điều đó là không công bằng. Vì tác giả “đường bay vàng” tính cự ly đường bay hiện đang sử dụng là từ khi máy bay cất cánh rời đất đến khi hạ cánh chạm đất. Nên thời gian bay trên “đường bay vàng” cũng phải tính cả thời gian cất hạ cánh.
Theo ước tính của tôi, thời gian này cũng mất gần10 phút. (tính “đường bay vàng” được lợi 142km đổi ra thành 9 phút bay so với đường bay hiện đang sử dụng là tính theo tốc độ xấp xỉ 900km/h, là tốc độ bay đường trường của các loại máy bay chở khách chủ chốt của ta hiện nay. Nhưng các loại máy bay này khi vào khu vực sân bay chỉ được phép bay tốc độ tối đa 215Kt (khoảng 400km/h). Do vậy khi vào khu vực sân bay, khoảng cách bay thì ngắn mà thời gian bay thì tốn nhiều) “Đường bay vàng” là đường bay từ đỉnh sân bay Nội Bài dọc theo kinh tuyến 106 độ đông để đến đỉnh sân bay TSN, hay ngược lại.
Thử hỏi từ đỉnh sân bay Nội Bài bằng cách nào để bay vào kinh độ 106? Chỉ có cách bay qua Hà Nội, mà Hà Nội là vùng cấm tuyệt đối nên không thể bay qua được. Ngay từ khi cất cánh, “đường bay vàng” đã không thể bay được. Còn cất cánh lên vòng phải vào đường bay là bay theo đường bay hiện đang sử dụng chứ không phải cách bay của “đường bay vàng” và bay như vậy “đường bay vàng” sẽ phải kéo dài thêm, không còn được lợi 142 km nữa mà ít hơn. Còn khi đến, hiện nay các sân bay hiện đại đều cấm máy bay bay vào đỉnh sân bay (trừ các sân bay nhỏ lẻ ở những nước HK chưa phát triển).
Mọi người hãy hình dung, hàng chục máy bay cứ nhằm đỉnh sân bay bay đến thì làm sao chỉ huy được, chỉ có đâm nhau mà chết. Quản lý bay cũng là một ngành khoa học. Sân bay nào cũng bố trí cửa (còn gọi là hành lang vào ra. Từ hướng nào đến thì phải vào cửa nào. Từ đó người ta chỉ huy thứ tự từng chiếc một vào hạ cánh (và cất cánh). Như vậy khi đến, cũng không thể đến được đỉnh sân bay, nên “đường bay vàng” cũng không thực hiện được. Còn nếu bay đến hành lang thì không phải cách bay của “đường bay vàng” và bay như vậy “đường bay vàng” sẽ phải kéo dài thêm, không còn được lợi 142km nữa mà ít hơn. Cho nên nói “đường bay vàng” không thể thực hiện bay được là như vậy.
Thông tin liên quan:
>> “Đường bay vàng”- đừng nên thách đố
>> Cục Hàng không Việt Nam gặp tác giả “Đường bay vàng” - Khát vọng về những đường bay thẳng
>> Cục Hàng không giải trình về “Đường bay vàng”