Đường sá trúc trắc, giao thông trục trặc

Có một mối liên hệ “nhân quả” rất hiển nhiên giữa chất lượng đường sá và tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông trên địa bàn TPHCM.
Đường sá trúc trắc, giao thông trục trặc

Có một mối liên hệ “nhân quả” rất hiển nhiên giữa chất lượng đường sá và tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông trên địa bàn TPHCM.

Thời gian gần đây, những ai thường xuyên đi qua giao lộ Ngã năm Nguyễn Thái Sơn thuộc địa bàn quận Gò Vấp chắc hẳn đều cảm nhận được rõ nét điều này. Giao thông qua nút giao lộ này và trên suốt tuyến đường Hoàng Minh Giám băng ngang Công viên Gia Định chẳng khác gì một cực hình, đặc biệt trong các giờ cao điểm sáng và chiều: Xe cộ với đủ loại phương tiện từ xe thô sơ, xe máy cho đến taxi, xe hơi lẫn xe tải nặng chen chúc nhau nhích từng chút một. Con đường Hoàng Minh Giám từ đầu nút giao lộ Ngã năm Nguyễn Thái Sơn cho đến giao lộ đường Đào Duy Anh chỉ chừng 1km thế nhưng các phương tiện qua đây phải mất từ 30 phút đến cả giờ hơn mới đi hết lộ trình này trong các giờ cao điểm. Kèm với ùn ứ chật cứng giao thông ấy là sự phiền toái, vì bụi bay mịt mù. Tất cả là do ngành chức năng đang tập trung mở thêm nhánh đường đi xuyên Công viên Gia Định để nối kết sân bay Tân Sơn Nhất với giao lộ Ngã năm Nguyễn Thái Sơn. Trong suốt thời gian thi công, rào chắn được dựng lên, diện tích mặt đường bị thu hẹp hết mức có thể, để rồi hệ quả là xảy ra rồng rắn, ùn ứ giao thông diễn ra như cơm bữa tại đây.

Dòng xe nối đuôi nhau lưu thông trên đường Hoàng Minh Giám, TPHCM (Ảnh: Cao Thăng)

Đành rằng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông trên địa bàn thành phố có nhiều nguyên nhân gây ra. Thế nhưng, chất lượng đường sá không theo kịp nhu cầu phát triển là một trong các lý do đó, thậm chí là lý do hàng đầu. Biết vậy nhưng chất lượng đường sá tại đô thị sầm uất, lớn nhất nước này lại đã và đang có quá nhiều hạn chế, đặc biệt sau một thời gian dài trở thành “đại công trường” thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị, đường sá thành phố giờ đây dường như đang có quá nhiều con đường xuống cấp!

Có thể nhắc đến tuyến đường Hai Bà Trưng làm ví dụ. Đây là một trong những con đường có tính tiêu biểu của thành phố, đi qua những quận trung tâm bậc nhất thành phố là quận 1 và quận 3. Vì thế hình ảnh quen thuộc trên tuyến đường này là cảnh người, xe nhộn nhịp, sinh hoạt sầm uất gần như suốt ngày đêm. Thế nhưng, chất lượng mặt đường của đường Hai Bà Trưng thì lại không tương xứng với vai trò, vị trí của khu phố mặt tiền thành phố. Bởi vì suốt từ đầu tuyến ở Công trường Mê Linh cho đến điểm kết là chân cầu Kiệu, ranh giới giữa quận 1, quận 3 và quận Phú Nhuận, mặt đường tùy nơi, tùy chỗ mà loang lổ, mấp mô đủ hình, đủ kiểu và do đủ thứ nguyên nhân, đặc biệt đoạn từ giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Hai Bà Trưng cho đến chân cầu Kiệu.

Trong khi đó tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, chạy dài suốt từ Thị Nghè đến Hàng Xanh và từ Hàng Xanh tới Đài Liệt sĩ xem ra quá xuống cấp, có nhiều “ổ gà, ổ voi”. Còn tuyến quốc lộ 13, đoạn từ cầu Ông Dầu đến ngã tư Bình Triệu có những chỗ bị đọng nước, xuất hiện “ổ gà”. Ngã tư D2 - Ung Văn Khiêm thuộc quận Bình Thạnh sau nhiều lần đào lên xới xuống, chất lượng mặt đường cũng không còn bằng phẳng mặc dù đã được tái lập.

Điều đáng nói là những chỗ chất lượng mặt đường chưa tốt đều thường và chủ yếu rơi vào phần làn đường dành cho xe hai bánh. Vì thế, hệ quả là xe hai bánh và xe thô sơ dễ có khuynh hướng tràn sang làn ô tô, vừa nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông, vừa tạo ra hình ảnh hỗn độn, xô bồ giữa các dòng xe. Dẫu có tràn sang làn ô tô hay không, do chất lượng mặt đường quá xấu, các phương tiện xe hai bánh và thô sơ dù muốn hay không cũng phải chen, chọn vị trí đỡ xấu hơn trên mặt đường để chạy, và chính sự suy nghĩ ấy đã là mầm mống gây ra ùn ứ, tắc nghẽn giao thông trên đường.

Chất lượng mặt đường nói chung đã chi phối đến giao thông nhiều như vậy nhưng chất lượng mặt đường tại các nút giao lộ nói riêng mà xấu thì còn tác hại hơn nhiều. Đơn giản là vì với đặc trưng là nút giao, mật độ xe cộ tập trung tại nút chờ đèn xanh thường rất dày đặc. Chẳng hạn như Ngã năm Nguyễn Thái Sơn thuộc quận Gò Vấp là một ví dụ. Thực ra giao lộ này đã trở thành ngã sáu khi có thêm đường Phạm Văn Đồng và sắp trở thành ngã bảy một khi đưa vào khai thác đoạn đường mới nối kết sân bay Tân Sơn Nhất với giao lộ. Nút giao này đang là một trong những điểm nóng hàng đầu về ùn ứ giao thông trên địa bàn quận Gò Vấp, thế nhưng ngoại trừ đường Phạm Văn Đồng vừa thông xe cách đây chưa lâu còn tốt, các đường còn lại đều ở trong tình trạng nhỏ, hẹp, như: Bạch Đằng, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm. Ngay bản thân đường Hoàng Minh Giám cũng chỉ tốt có lúc, tức là nếu trời khô ráo thì cũng tạm ổn nhưng khi trời mưa to thì đường này lại bị ngập nước dữ dội và kéo dài gần hết tuyến, thậm chí ngập nước gần hết bề rộng mặt đường! Nhưng “xấu xí” nhất ở nút giao này có lẽ là trên đường Bạch Đằng, bởi vì suốt từ đầu chợ Tân Sơn Nhất cho đến đoạn nối ra đường Hồng Hà để vào sân bay Tân Sơn Nhất, chất lượng mặt đường Bạch Đằng rất kém, xuống cấp trầm trọng…

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục