Đường sách hay công viên sách?

Được xem là điểm nhấn quan trọng nhất của Ngày sách Việt Nam tại TPHCM, Đường sách Nguyễn Văn Bình đã khép lại sau 4 ngày hoạt động. Theo thông tin từ ban tổ chức, do hoạt động ở vị trí mới, điều kiện thời tiết không thuận lợi nên đường sách không đạt số lượng bạn đọc lớn như dự kiến.

Tuy nhiên, dù lượng khách ít nhưng doanh thu bán sách khá cao, theo thống kê, có 3 đơn vị đạt doanh thu từ 180 - 250 triệu đồng (Nhã Nam, Fahasa và Phương Nam. Đạt mức trên 100 triệu đồng cũng có 3 đơn vị là Phan Thị, Cửu Đức và Đông A.

Đánh giá về công tác tổ chức Đường sách Nguyễn Văn Bình, nhiều ý kiến cho rằng ban tổ chức chưa làm tốt việc quảng bá. Các hoạt động văn hóa đọc còn khiêm tốn như ít các buổi giao lưu, tọa đàm, trao đổi… Tuy nhiên, hầu hết những đơn vị tham dự đường sách đều đánh giá cao mô hình này và khẳng định sẽ tiếp tục tham gia đường sách sau này. Không những thế, tất cả các đơn vị đều hồ hởi với phương án xây dựng Đường sách Nguyễn Văn Bình khi chứng kiến thực tế dù chưa quen, chưa biết nhiều đến sự tồn tại của đường sách, chưa có nhiều sách, nhiều hoạt động về sách nhưng bạn đọc vẫn đến với đường sách.

Ước mơ về đường sách có thể nói là ước mơ chung của những người làm sách, những độc giả của TPHCM. Dù có những tưởng tượng khác nhau về hoạt động của đường sách nhưng đều có điểm chung là mong muốn TP sẽ có một nơi tập hợp những người bán sách. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, từ ước mơ đến với hiện thực là một khoảng cách khá xa.

Khi bàn sâu đến việc xây dựng đường sách, rất nhiều vấn đề nảy sinh như: Các gian hàng thiết kế thế nào, theo chuẩn hay tùy ý các đơn vị; vấn đề thu thuế, quản lý, ban điều hành do đơn vị nào đảm đương; hệ thống hạ tầng như điện nước, vệ sinh, giữ xe sẽ xây dựng thế nào?... Nếu xây dựng theo mô hình hoạt động hàng ngày, xem như đường Nguyễn Văn Bình phải cải tạo lại, một vấn đề không đơn giản trong điều kiện hiện nay.

Xảy ra mâu thuẫn này là do bản chất khái niệm đường sách, phố sách từ trước đến nay đều là những hoạt động mang tính tự phát, bắt nguồn từ đời sống của người dân (trừ đường sách tết là một phần của hoạt động lễ hội). Trong khi đó, Đường sách Nguyễn Văn Bình lại xuất phát từ sự quy hoạch chủ động của nhà nước.

Chính vì thế, ý tưởng đường sách chỉ mở vào ngày cuối tuần, các gian hàng mang tính cơ động được tính đến như biện pháp trung hòa. Cách làm này có cái hay là không ảnh hưởng đến giao thông nhưng lại có cái dở là khiến hoạt động kinh doanh mang tính tạm bợ, manh mún, không thu hút những người bán sách chuyên nghiệp.

Trong buổi bế mạc đường sách, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ đưa ra một ý tưởng mới: Tại sao cứ phải là đường sách, phố sách mà không phải là công viên sách? Thậm chí, ông Nhựt đưa ra luôn một công viên cụ thể là Công viên văn hóa Tao Đàn. Công viên này nằm ở vị trí trung tâm, bốn phía giáp các con đường lớn, có không gian rộng, cây xanh bóng mát, có sẵn hệ thống hạ tầng… Chỉ cần quy hoạch một khu vực mang tính mở trong công viên, thiết lập quy chế hoạt động, quản lý là có thể đi vào hoạt động.

Ý tưởng này ngay lập tức nhận được sự chú ý. Có thể xem công viên sách như trên là một dạng thu nhỏ của Hội sách TP, cung cấp sách mang tính đặc thù như sách, báo, tạp chí cũ, sách giảm giá… Ngoài ra, nếu mô hình này thành công, hoàn toàn có thể triển khai ra một số công viên khác ở ngoại thành, vùng ven tạo nên môi trường văn hóa đọc rộng khắp.

Tất nhiên, công viên sách này cũng có nhược điểm không nhỏ khi tách biệt ra khỏi vùng lõi di sản TP; hạn chế khả năng phát triển du lịch, đón tiếp du khách, trở thành một phần của vùng văn hóa như ở Đường sách Nguyễn Văn Bình.

Đường sách hay công viên sách vẫn còn là một vấn đề để những người yêu sách, mơ ước có một vùng không gian văn hóa đọc bàn luận. Thế nhưng, với việc xuất hiện các ý tưởng, các vấn đề và những giải pháp như vừa qua, một vùng không gian văn hóa đọc đã dần thành hình và nếu có thể đi vào hoạt động nó sẽ cùng với các nhà sách, thư viện tạo nên một tổng thể văn hóa đọc đa dạng cho người dân TP.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục