Ngày 24-12, Ban quản lý dự án Đường sắt cho biết, đã trình Bộ Giao thông Vận tải hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Dự án có chiều dài 1.559km, gồm 60% chiều dài trên cầu, 10% chiều dài trong hầm, 30% trên nền đất, đi qua 20 tỉnh thành, có điểm đầu tại ga Hà Nội, điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TPHCM). Tổng mức đầu tư dự án dự kiến gần 1,35 triệu tỷ đồng (hơn 58,7 tỷ USD), được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) với nguồn vốn nhà nước khoảng 80%, vốn tư nhân 20%.
Trong giai đoạn 1 (2020 - 2030), dự án sẽ đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh (dài 282,65km) và Nha Trang - TPHCM (dài 362,15km).
Giai đoạn 2 (2030 - 2045) đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang (dài khoảng 901km).
Theo tính toán của tư vấn, với tốc độ 320km/giờ, sau khi hoàn thành toàn tuyến, thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến TPHCM hết 5 giờ 17 phút (tàu dừng ít ga) và 6 giờ 50 phút (tàu dừng nhiều ga). Về áp lực nguồn vốn đầu tư, đơn vị tư vấn cho biết, nếu tính tỷ lệ trên GDP, mức đầu tư cho dự án chiếm tỷ lệ khoảng 0,4% - 0,55% cho giai đoạn 2020 - 2030 và khoảng 0,35% - 0,4% cho giai đoạn 2030 - 2040. Như vậy, với tốc độ phát triển của kinh tế Việt Nam, việc tập trung huy động vốn đầu tư cho dự án không tác động quá lớn đến việc phân bổ vốn đầu tư cho hạ tầng cơ sở cũng như đầu tư toàn xã hội và nợ công của quốc gia.
Theo lộ trình, Hội đồng Thẩm định nhà nước sẽ tổ chức thẩm định dự án từ tháng 12 đến tháng 4-2019. Đến tháng 8-2019, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ được trình Chính phủ. Sau đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp tháng 10-2019.
Theo Tổng thầu EPC, hiện công trình đã nghiệm thu được hơn 80% các hạng mục. Tuy nhiên, trong giai đoạn nước rút, các đơn vị đang gặp một số vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu, bàn giao các hạng mục cũng như toàn bộ dự án. Các vướng mắc này chủ yếu xuất phát từ các quan điểm, quy định pháp luật khác nhau trong các thủ tục, quy trình giữa hai nước.
Do trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ thuộc về nhà thầu, ông Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng thầu EPC phải hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gồm hồ sơ xuất xứ, nguồn gốc thiết bị, vật tư, hồ sơ hoàn công từng phần. Ông Thể cũng khẳng định sẽ chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Ban Quản lý dự án Đường sắt phối hợp với TP Hà Nội tập trung hỗ trợ nhà thầu nghiệm thu theo đúng các quy định pháp luật.
Thông tin từ ban quản lý dự án cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện vẫn đang được vận hành thử và hiệu chỉnh trên toàn tuyến. Sau khi hoàn thành hồ sơ tổng thể, công trình sẽ được nghiệm thu và bàn giao cho TP Hà Nội. Dự kiến dự án này sẽ được đưa vào khai thác thương mại trong quý 1-2019.