Hiện nay, những tuyến quốc lộ nối Tây Nguyên với các khu vực khác trong cả nước đều đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng thiếu vốn đầu tư, nâng cấp và sửa chữa. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân và sự phát triển kinh tế của vùng Tây Nguyên.
Thiếu vốn sửa chữa, nâng cấp
Trên địa bàn Tây Nguyên có 2 loại hình giao thông chính, đường bộ và đường không, nhưng đường bộ đóng vai trò quan trọng, với chiều dài khoảng 14.700km. Trong đó, quốc lộ 2.175km với trục dọc gồm quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) và quốc lộ 14C, còn trục ngang gồm các tuyến quốc lộ 19, 20, 25, 26, 27, 28, 29 và 40. Nhưng hầu hết các tuyến quốc lộ này đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế và an toàn của người tham gia giao thông. Nhiều dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ này đã được phê duyệt, nhưng hiện nay đều không có vốn để triển khai.
Tỉnh Đắc Lắc cho biết đang thực hiện 92 dự án giao thông đường bộ với tổng mức đầu tư hơn 2.346 tỷ đồng, nhưng bố trí hết năm 2012 chỉ mới hơn 1.017 tỷ đồng, còn thiếu hơn 1.329 tỷ đồng. Trong đó, các dự án xây dựng, nâng cấp các quốc lộ 14C, quốc lộ 26, đường Hồ Chí Minh từ cầu 110 đến Buôn Ma Thuột, qua TP Buôn Ma Thuột… hiện đang chờ vốn nên không thể hoàn thành đúng tiến độ. Dự án quốc lộ 14C dọc biên giới, đây là tuyến đường quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, nhưng giai đoạn 1 còn thiếu hơn 100 tỷ đồng (năm 2012).
Tỉnh Đắc Nông cũng đang thực hiện các dự án giao thông như: Dự án quốc lộ 14 từ thị xã Gia Nghĩa đến Bù Đăng (Bình Phước), nâng cấp quốc lộ 28 (đường tránh thủy điện Đồng Nai 3 và 4)… nhưng vẫn còn thiếu hàng trăm tỷ đồng. Bí thư Tỉnh ủy Đắc Nông Trần Quốc Huy nhìn nhận: “Riêng Đắc Nông, giao thông đường sắt và đường hàng không không có, đường thủy không phát triển nên mọi thứ vận chuyển hành khách, hàng hóa đều dựa vào đường bộ, đặc biệt tuyến quốc lộ 14 nhưng hiện nó vẫn là “con đường đau khổ”.
Vẫn phải chờ?
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT mới đây, cả hai tỉnh Đắc Nông và Đắc Lắc đã có nhiều kiến nghị hỗ trợ vốn những dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ. Ông Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông, kiến nghị Bộ GTVT sớm bố trí vốn để hoàn thành các gói thầu ở dự án đường Hồ Chí Minh qua Đắk Mil, Gia Nghĩa và quốc lộ 14C.
Ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, mong Bộ GTVT có những ưu đãi để các nhà đầu tư hoàn thành các gói thầu của dự án đường Hồ Chí Minh qua Đắc Lắc, đặc biệt đoạn qua TP Buôn Ma Thuột. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng chia sẻ với những khó khăn của các tỉnh Tây Nguyên: “Nhiều tuyến đường Tây Nguyên đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù chúng ta đang cắt giảm đầu tư công nhưng sắp tới bộ sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù, đầu tư vốn để các tỉnh Tây Nguyên xây dựng hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, bộ sẽ đề xuất Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trong lĩnh vực giao thông”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho rằng: Việc thiếu vốn đã gây nên những khó khăn và lãng phí ở các công trình giao thông nhưng hiện chưa giải quyết được. Trước mắt, đề nghị các tỉnh Tây Nguyên rà soát chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT gắn với Nghị quyết 13 của Chính phủ về phát triển giao thông. Trong lúc Trung ương đang khó khăn về vốn, địa phương cần nghiên cứu kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT để sớm hoàn thành các công trình.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, việc bố trí vốn xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Tây Nguyên vẫn còn khó khăn. Việc bố trí vốn để thực hiện các gói thầu trong năm 2012 là khó thực hiện, nhanh nhất cũng phải để sang năm 2013, 2014 mới có vốn thực hiện được. Vì thế, việc nâng cấp và sửa chữa các tuyến đường quốc lộ đi qua Tây Nguyên vẫn tiếp tục phải chờ vốn.
CÔNG HOAN