Sự kiện phim Bụi đời Chợ Lớn phải sửa chữa mới được công chiếu đã trở thành vấn đề nóng trên mặt bằng truyền thông hiện nay. Rất nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình, thậm chí phê phán nặng nề Hội đồng Duyệt phim quốc gia và cho rằng đó chính là rào cản cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam hiện nay.
Ai cũng nói Mỹ và Hàn Quốc làm phim hoàn toàn tự do, phim chỉ được phân loại tùy theo tuổi khán giả nhưng thật ra hình thức kiểm duyệt này ở ngay các tập đoàn đầu tư điện ảnh và chính sự kiểm duyệt này còn ghê gớm hơn Bộ Văn hóa. Hầu hết những kịch bản đụng tới vấn đề nhạy cảm chính trị đều không có ai đầu tư vì họ sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh và ngay cả diễn viên nổi tiếng cũng không muốn tham gia.
Ví như Hollywood, đối tượng xấu trên phim trước kia là Trung Quốc nay đã chuyển sang Triều Tiên vì các nhà đầu tư bắt đầu sợ đồng vốn và thị trường quá lớn của Trung Quốc (theo ông Dong-Yeon Won, Giám đốc điều hành Hãng phim Realies Pictures, Hàn Quốc). Duyệt phim vẫn luôn đồng hành cùng 60 năm phát triển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Có những cách nhìn nửa thế kỷ trước, bây giờ nhìn lại ta thấy vô cùng lạ lẫm, ví như cả hai phim Biển động và Đi bước nữa của đạo diễn Mai Lộc đều phải cất kho vì Biển động đã thể hiện cuộc khởi nghĩa thất bại của nhân dân Hòn Khoai, còn Đi bước nữa đặt vấn đề nhân bản về thân phận người phụ nữ sau chiến tranh. Cả hai phim đều được đồng nghiệp đánh giá cao nhưng vì ra đời vào thời điểm chiến tranh chống Mỹ nên không thể công chiếu vì nó không đồng hành với những bài ca ra trận của cả nước.
Nói như thế để thấy “lưỡi kéo” duyệt phim của từng giai đoạn lịch sử đều có lý lẽ riêng của nó. Tất nhiên đó là sự thẩm định của những cá nhân, vì thế không thể tránh khỏi những cái nhìn thiên kiến, cảm tính nhưng rõ ràng không ai muốn gây bất lợi cho đại cục. Hội đồng Duyệt phim quốc gia gánh trách nhiệm quá lớn trên vai họ và là nơi chịu điều tiếng nhất, bởi nếu để lọt những phim bạo lực đẫm máu, lập tức họ bị phê phán là vô trách nhiệm góp phần tạo nên những vụ giết người của những hung thủ vị thành niên hiện nay, nhưng nếu làm mạnh tay sẽ bị phê phán là rào cản.
Thực ra, hiện nay trước luồng sóng dữ dội của các phim Hollywood, Hội đồng Duyệt phim quốc gia lại tỏ ra quá nhẹ tay so với phim trong nước. Phần lớn những phim Mỹ được chiếu ở Việt Nam gần đây đều là loại phim dán mác cấm trẻ em dưới 16 tuổi vì tính chất bạo lực. Đó là vấn đề phải suy nghĩ, bởi máu ở bất kỳ đâu cũng đều là máu và bạo lực ở đâu cũng đều là chất kích thích cho tội ác trỗi dậy.
Vấn đề ở chỗ bộ phim đã để lại dư âm gì trong lòng người xem, nếu cảnh bạo lực chỉ là cái nền để đạo diễn chuyển tải ý tưởng mang giá trị nhân văn thì cảnh bạo lực ấy là cần thiết. Còn nếu phim chỉ dùng máu và bạo lực để câu khách và kích động cảm giác mạnh của giới trẻ thì không thể gọi đó là phim giải trí đơn thuần. Xã hội đòi hỏi trách nhiệm của người làm phim chính là ở đó. Phim Bẫy cấp ba không được công chiếu chính là đã phạm vào điều này. Một cậu học trò vị thành niên đã giết hàng loạt bạn bè mình bằng nhiều hình thức đẫm máu trong một chuyến đi dã ngoại với lời trần tình là cậu ta cô đơn và bị sự coi thường của bạn bè. Đó có phải là một cách “đồng cảm” với những vụ nã súng giết người hàng loạt đã xảy ra ở Mỹ gần đây chăng?
Bộ phim Bụi đời Chợ Lớn theo sự thẩm định của Hội đồng Duyệt phim quốc gia là đã thể hiện sự chém giết rùng rợn của những băng đảng xã hội đen trên địa bàn Chợ Lớn mà không lóe lên tính chất hướng thiện nào của nhân vật, vì thế cần phải sửa chữa trước khi ra rạp. Đó chính là mấu chốt của vấn đề.
Làm nghệ thuật không có nghĩa là bê nguyên xi hiện thực lên màn ảnh một cách vô tư, mà từ hiện thực ấy tác giả phải chuyển tải ý tưởng nhân sinh, làm lay động trái tim khán giả. Cảnh chém giết có thể đẩy lên đến cực độ cùng tay nghề điêu luyện của đạo diễn nhưng khi rời rạp, những giọt máu ấy có làm ray rứt lòng người? Những bộ phim bạo lực được đánh giá cao trên thế giới đều có thông điệp đầy nhân bản. Đó mới chính là giá trị nghệ thuật của tác phẩm…
NGÔ NGỌC NGŨ LONG