Thể thức thi đấu không khuyến khích tính quyết đấu, tỷ lệ bàn thắng giảm đi, số lượng trận đấu thật sự chất lượng cũng không nhiều. Vòng đấu bảng EURO 2016 là như thế, hãy hy vọng từ giai đoạn 2 trở đi sẽ tốt hơn...
Đó là những ý chính của Simon Kuper trên kênh thể thao ESPN, trong một bài viết được trình bày giống như một lá thư từ Paris vậy. SGGPTT xin giới thiệu “lá thư” này để bạn đọc tham khảo.
Có cảm giác như EURO 2016 cuối cùng cũng sắp bắt đầu. Tôi sống ở Paris, và Chủ nhật này sẽ cùng bọn nhỏ đến chỗ một người bạn, cùng xem trận Pháp - Ailen với những người hàng xóm. Giai đoạn một của giải đấu hầu như chỉ gây phí thời gian. Bây giờ, với thể thức loại trực tiếp, mọi chuyện nhất định sẽ tốt hơn nhiều. Trước mắt, chúng ta đã có thể nắm chắc rằng trận chung kết sẽ có một đội không phải là tên tuổi truyền thống.
Ibrahimovic và các đồng đội chia tay không để lại chút tiếc nuối nào
Bài học chủ yếu nhất từ giai đoạn đầu phải là: đừng bao giờ như thế nữa. Tôi đã từng đến với 7 kỳ World Cup và cũng 7 lần giải vô địch châu Âu. Cho đến nay, EURO 2016 chính là giải đấu chán ngán nhất của tôi. Không tính tới vài thời điểm cá biệt, kỳ EURO này chưa có gì kịch tính, cũng chẳng đẹp mắt, chẳng mấy hay.
Đây đã là điều không tránh khỏi ngay từ lúc Chủ tịch UEFA hồi ấy - Michel Platini - mở rộng EURO lên 24 đội. Số đội mạnh của châu Âu không tới được con số 24. Vào đầu giải, tôi đi xem trận Ailen - Thụy Điển. Trận đấu ấy trông giống như là Ibrahimovic lão hóa đang lạc bước vào một trận hạng dưới của bóng đá Anh hồi năm 1993 vậy. Quá nhiều trận diễn ra như thế (và thường là trên mặt cỏ kém chất lượng). Thụy Điển, Áo, Ucraina và Nga - những đội kém nhất - hầu như chẳng làm được gì cho chất lượng sống của bất kỳ ai.
Thể thức thi đấu làm cho dở thêm. Vì bạn có thể về hạng 3 tron
g bảng mà vẫn có thể vào tiếp vòng trong, các đội biết rằng họ chỉ cần thắng một trận cũng có thể là đủ (Bồ Đào Nha thậm chí không cần thắng trận nào). Thế là nhiều đội cứ vậy mà lui về phòng thủ, đá để hoà 0-0. Tôi không hề làm ra vẻ những nhà báo bóng đá chúng tôi sống vất vả. Thế nhưng, trong một quãng thời gian 4 ngày, tôi đã phải ngồi hết trận BĐN - Áo (0-0), trận Anh - Slovakia (0-0), một chuyến tàu suốt đêm từ St.Etienne về Paris và rồi trận Đức - Bắc Ailen (1-0). Lúc ấy, Bắc Ailen thậm chí còn không đá vì 0-0. Trận thua sít sao của họ vẫn đủ để giành vé đi tiếp.
Tỷ lệ bàn thắng bình quân mỗi trận ở vòng đầu là 1,92. Như thế là ít hơn 0,3 bàn so với kỳ World Cup ghi bàn kém nhất. Đó là năm 1990, một năm mà thật trùng hợp thay, cũng có 24 đội dự giải như EURO bây giờ.
Không chỉ bàn thắng, thể thức 24 đội cũng làm giảm sự hồi hộp. Ở trận đầu tiên với Rumani vào ngày 10-6, một khi Dimitri Payet đã ghi được bàn thắng quyết định rất tuyệt vời vào phút thứ 89, người Pháp coi đã cầm chắc một suất vào giai đoạn 2. Điều này xóa đi gần hết sự hồi hộp của nước chủ nhà trong vòng 16 ngày - tức là hơn một nửa chiều dài giải đấu - cho tới khi đội tuyển Pháp đá trận vòng 2 với Ailen ngày 26-6. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi công chúng Pháp coi như “chưa vào” EURO. Cho đến nay, tôi mới chỉ trông thấy một người Pháp (một cậu bé ở Marseille) mặc chiếc áo thi đấu của đội tuyển Pháp ở nơi công cộng.
Tuy vậy, có lẽ vị chủ tịch kế tiếp của UEFA sẽ chẳng dám nói với số đông, gồm những quốc gia bóng đá có trình độ trung bình, rằng chúng ta sẽ trở lại với thể thức 16 đội. Vì thế, cái thể thức thi đấu mới mẻ và rối tinh rối nùi này sẽ trở thành một cột mốc trong những di sản mà Platini để lại cho bóng đá, cùng với cái quyết định dồn những lá phiếu cốt yếu của châu Âu cho Qatar đăng cai World Cup 2022, cùng với khoản tiền 2 triệu Franc Thụy Sỹ nhận từ Sepp Blatter mà Platini chưa giải thích được. Cái tội sau cùng đã khiến Platini bị cấm hoạt động bóng đá, nghĩa là ít nhất ông ta cũng không bị bắt buộc phải ngồi trên khán đài mỗi ngày ở EURO 2016!..
...Nhưng có lẽ cũng nên ngưng phàn nàn về EURO 2016 tại đây. Thứ Bảy này, EURO cuối cùng rồi cũng sẽ trở thành một giải đấu ưu tú. Với các vòng đấu loại trực tiếp, EURO 2016 sẽ như một World Cup - chỉ thiếu Argentina mà thôi. Có một nhánh đấu mạnh như bất cứ kỳ World Cup nào, bao gồm Đức, Italia, Pháp, Anh. Trái lại, nhánh bên kia là 8 đội chưa hề vô địch ở các giải đấu lớn. Những tên tuổi lớn nhất trong nhánh bên kia ấy là Bỉ, Croatia, Bồ Đào Nha. Đường đến chung kết không bao giờ dễ, nhưng với 3 đội này thì nó sẽ dễ hơn bao giờ hết.
Hãy bắt đầu giải đấu đi nào!
TIẾN MINH (lược dịch)