Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có phản hồi về những khoản hạch toán vào giá điện như chung cư, bể bơi, sân tennis… mà Thanh tra Chính phủ cho là không đúng quy định. Theo tập đoàn này, do các nhà máy điện xa khu dân cư nên cần khu quản lý vận hành sửa chữa, do vậy, cần có nhà ở công vụ, còn biệt thự dành cho các chuyên gia sinh sống và khi không dùng sẽ chuyển thành nhà khách. Về một số công trình thể thao, theo EVN là nhằm giảm độ căng thẳng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe cho nhân viên để duy trì ca trực tiếp theo.
Cũng theo EVN, số tiền đầu tư xây dựng nêu trên không đưa vào giá thành điện mà được trích từ khấu hao, lợi nhuận sau thuế hoặc vay ngân hàng và hạch toán riêng.
Liên quan đến con số đầu tư ra bên ngoài gần 121.800 tỷ đồng, theo EVN, có trên 49.600 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, công ty liên kết thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện; trên 70.000 tỷ đồng cho các công ty con vay lại và có 2.100 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 2,7% trên vốn điều lệ) là đầu tư ngoài ngành và hiện EVN đang hướng đến việc tới năm 2015 thoái hết khoản đầu tư này.
Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, EVN đã không tuân thủ đúng các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn tài sản khiến chi phí giá điện đội lên một phần vì nhiều khoản không hợp lý, thậm chí không liên quan trực tiếp tới sản xuất điện. Chẳng hạn như: EVN đã tính nhiều khoản chi phí từ việc xây nhà ở cho cán bộ nhân viên, trong đó có cả những biệt thự, nhà liền kề, chung cư cao tầng, bể bơi, sân tennis vào giá bán điện cho người dân (tổng chi phí của những khoản mục này gần 600 tỷ đồng); đầu tư ra bên ngoài hơn 121.000 tỷ đồng dù vốn điều lệ chưa đến 77.000 tỷ đồng và đầu tư nhiều nhưng vẫn lỗ đến gần 2.200 tỷ đồng; mua ô tô vượt tiêu chuẩn quy định gần 3 tỷ đồng; năm 2009, 2010 EVN đều báo cáo số lao động vượt so với số thực tế lần lượt 45% và 51,5% khiến xác định tổng quỹ lương kế hoạch và thực hiện không chính xác…
Như vậy, với cách giải thích trên của EVN thì dường như Thanh tra Chính phủ đang không hiểu đúng bản chất của vấn đề?
Không phải đến bây giờ, những bất cập trong việc đầu tư, xây dựng của EVN mới được phản ánh mà qua nhiều lần kiểm toán trước đây, những tồn tại tương tự nêu trên đã được cảnh báo nhưng thực tế, sự thay đổi của tập đoàn này đến đâu trước mỗi kết luận như vậy thì không ai hay biết. Đó chính là vì tính công khai, minh bạch của EVN còn quá hạn chế. Là người sử dụng các dịch vụ do tập đoàn này cung cấp nhưng người dân, doanh nghiệp không hề được giải thích cho mỗi lần doanh nghiệp này tăng giá điện. Trước mỗi lần giá điện tăng, EVN chỉ phát đi thông tin về sự cần thiết phải tăng giá nếu không sẽ lỗ nhưng trong số lỗ của doanh nghiệp này, đâu là lỗ do thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao (kiềm chế không tăng giá), khoản lỗ nào đến từ kinh doanh kém hiệu quả hay chi phí quá lớn, không tiết giảm được…
Ngay trước đợt tăng giá điện từ 1-8 vừa qua, doanh thu bán điện tháng 7 của EVN đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng trên 19% so cùng kỳ và 7 tháng đầu năm đạt gần 96.800 tỷ đồng, tăng gần 23% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, dù lãnh đạo Văn phòng Chính phủ yêu cầu EVN phải giải thích với người dân trước khi tăng giá, tuy nhiên, những khúc mắc như vậy không được Bộ Công thương cũng như EVN quan tâm trả lời.
Điều đáng ngạc nhiên nữa đến từ EVN là dù vẫn ra rả điệp khúc kêu lỗ nhưng thu nhập bình quân hay tiền thưởng của tập đoàn này hay những đơn vị thuộc EVN dường như không hề bị ảnh hưởng. Còn nhớ, dư luận đã không ít lần sôi sục khi Kiểm toán Nhà nước công bố thu nhập của cán bộ văn phòng tập đoàn này lên đến gần 30 triệu đồng/tháng; Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia lỗ hàng ngàn tỷ đồng nhưng các đơn vị trực thuộc vẫn tạm ứng quỹ khen thưởng phúc lợi hơn 7,1 tỷ đồng…
Điện là mặt hàng quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất đối với người dân, doanh nghiệp nhưng cách hành xử của EVN với vai trò là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực độc quyền này, rõ ràng đang thiếu sự sòng phẳng với khách hàng của mình. Trong khi đó, EVN lại là doanh nghiệp nhà nước do nhà nước thành lập, đầu tư vốn mà suy cho cùng tiền đó cũng có phần từ tiền thuế của người dân. Chính vì lẽ đó, người dân có quyền được cơ quan quản lý như Bộ Công thương hay EVN có trách nhiệm trong việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trước mỗi vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận.
Thanh tra Chính phủ đã kết luận và chỉ rõ những điểm tồn tại, bất hợp lý. Nếu đúng như kết luận thì vấn đề còn lại là các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ có trách nhiệm thực thi đến đâu, công khai đến đâu, cơ chế xử lý trách nhiệm đến đâu... Hay lại một sự im lặng kéo dài?
QUANG MINH