FDI chuyển dòng

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, năm 2010, có 525 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực mua bán hàng hóa được trình hồ sơ xin cấp phép. Trong số này có khoảng 235 dự án đáp ứng được các quy định pháp luật có liên quan. Và trong các dự án được chấp thuận chủ trương cấp phép, nhiều dự án của các nhà đầu tư đã có mặt tại Việt Nam trước khi gia nhập WTO, nay rầm rộ mở rộng hoạt động kinh doanh, thành lập cơ sở bán lẻ mới… Mặc dù vậy, đây chủ yếu là những dự án thuần thương mại có quy mô không lớn, chỉ vài trăm ngàn USD/dự án.

Đơn cử, chỉ trong năm 2010, Công ty TNHH Metro Cash&Carry lập các trung tâm thương mại tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, An Giang, Vũng Tàu. Công ty TNHH Lotte Việt Nam mở trung tâm thương mại tại quận 11, TPHCM… Xu thế này không khỏi gợi nhắc nhiều người về câu chuyện của Sony. Vào năm 2008, đúng như kế hoạch đã tuyên bố từ trước đó rất lâu, tập đoàn điện tử danh tiếng này đã ngừng hoạt động sản xuất tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu hàng hóa trực tiếp.

Bên cạnh đó, dù không tuyên bố rõ ràng như vậy, rất nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực ôtô cũng đang làm chuyện tương tự. Hầu hết số này đều đã thành lập công ty con để nhập khẩu và phân phối.

Trên nguyên tắc đảm bảo lợi nhuận, nhà đầu tư hoàn toàn được phép tính toán và làm những gì pháp luật không cấm. Nhưng ở góc độ nước tiếp nhận đầu tư, thực tế này không khỏi làm chúng ta phải suy nghĩ. Dường như những chính sách ưu đãi đầu tư - đôi khi làm ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích của người tiêu dùng trong nước - đã không thể hướng dòng vốn FDI chảy mạnh mẽ vào khu vực sản xuất, phát triển công nghệ và dịch vụ cao như mong muốn.

Với hơn 14 năm kinh nghiệm làm việc tại thị trường Trung Quốc, TS Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hồng Công (Trung Quốc) và Thượng Hải cho biết, vào thập niên 70 của thế kỷ trước, khi Trung Quốc còn nghèo và thiếu hụt nhiều thứ, nước này đã hồ hởi mở rộng mọi cánh cửa đón chào doanh nhân nước ngoài. Hiện nay, họ đã có vốn, chỉ thiếu công nghệ cao và thương hiệu quốc tế, nên đây là 2 lĩnh vực duy nhất được trải thảm đỏ. Không sở hữu  2 “bảo bối” đó, các nhà đầu tư nước ngoài hầu như không có cơ chiến thắng các nhà đầu tư nội địa.

Dĩ nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Việc hội nhập WTO chỉ có lộ trình 10 năm và khi thị trường đã thực sự mở cửa, nhà đầu tư không thể bỏ qua cơ hội kiếm lời dễ dàng hơn nhiều từ thương mại. Việt Nam đã tận dụng khoảng thời gian đó như thế nào? Công nghiệp phụ trợ của chúng ta đã phát triển đến đâu để có thể giúp nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất với chi phí cạnh tranh nhất?

Theo một chuyên gia trong ngành, việc chuyển giao công nghệ ôtô cũng như nhiều ngành công nghiệp khác là quá trình hợp tác, nghiên cứu và đầu tư kéo dài trong khoảng thời gian hàng chục năm chứ không thể một sớm một chiều. Tùy vào khả năng hấp thụ công nghệ và mức độ phát triển thị trường của Việt Nam mà nhà đầu tư “liệu cơm gắp mắm” chứ họ không dại gì “dốc ruột” cho ta…

Nếu cứ đặt ra những chỉ tiêu thu hút FDI theo kiểu lấy số lượng làm đầu, nhà đầu tư cũng sẽ chỉ nhập sân theo kiểu “ăn xổi”, sản xuất cầm cự đến khi Việt Nam thực sự  hội nhập 100% vào WTO.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục