Tình trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm sau giảm hơn năm trước trong suốt 4 năm qua đã chấm dứt. Hơn thế, kết quả thu hút FDI trong 11 tháng năm 2013 còn vượt xa mong đợi. So với cùng kỳ năm 2012, vốn FDI đăng ký tăng 54,2%, còn so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm 2013 (thu hút khoảng 13 - 14 tỷ USD) thì đã vượt 54%.
Thông điệp lạc quan
Trò chuyện với Báo SGGP, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), bình luận, việc vốn FDI tăng mạnh trong năm qua có đặc điểm đáng lưu ý là sự xuất hiện của các dự án "khủng", cả đầu tư mới và bổ sung vốn. Nổi bật là dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (2,8 tỷ USD), dự án sản xuất vi mạch điện tử và linh kiện điện thoại di động của Samsung (1,2 tỷ USD)... Điều này cho thấy độ tin tưởng cao của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư Việt Nam.
GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, phân tích, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của riêng Samsung Electronics Vietnam (SEV) có khả năng đạt 20 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Họ sử dụng khoảng 100ha đất để tạo ra giá trị này và bắt đầu từ năm 2013 đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 5%, đồng nghĩa với khoảng 1.000 tỷ đồng cho ngân sách; tạo ra giá trị khoảng 10 tỷ đồng/ha đất. Con số này còn tăng lên gấp đôi, khi họ đóng đủ mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% từ thời điểm hết hạn giảm thuế cho đến hết thời gian hoạt động của dự án. Doanh nghiệp này còn sử dụng hàng ngàn công nhân, trong đó có một đội ngũ đông đảo kỹ sư, cán bộ quản lý cao cấp; chưa kể hơn 60 nhà sản xuất phụ trợ.
Năm 2013 đánh dấu cột mốc hết sức quan trọng: 25 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những mặt mạnh, yếu trong suốt chặng đường đó, cuối tháng 8-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. Tuy nhiên, đã 4 tháng trôi qua, có vẻ như các giải pháp trong Nghị quyết 103 vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu.
Vì vậy, toàn bộ chính sách về FDI hiện nay chưa có gì thay đổi căn bản, gần như vẫn là chính sách từ những ngày đầu (năm 1987); chủ yếu dựa vào thế mạnh là lao động giản đơn, rẻ tiền. Công nghiệp phụ trợ không tiến triển; các khu kinh tế, khu công nghiệp nhiều nhưng không có dấu ấn vùng, cũng chưa căn cứ vào đặc thù của địa phương.
Những hy vọng mới
Nhìn nhận rằng cơ cấu đầu tư sẽ không có xáo trộn gì lớn trong năm tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để duy trì nguồn vốn FDI ở mức dự kiến, ngoài việc hoàn thiện khung chính sách, công tác xúc tiến đầu tư phải được nâng cấp về chất lượng: tính mục tiêu rõ ràng hơn, thậm chí không ngần ngại "mang chuông đi đánh tận nước người". Một trăn trở khác, cũ nhưng vẫn mới: Làm thế nào để tăng hàm lượng giá trị gia tăng của các dự án đầu tư nước ngoài, làm thế nào để phía Việt Nam tiến đến làm chủ được thị trường, kỹ thuật và công nghệ?
Cuối tháng 10 vừa qua, báo chí đồng loạt đưa tin "Tập đoàn công nghiệp nặng Samsung Heavy Industry thuộc Samsung Group và 16 công ty công nghiệp phụ trợ của Hàn Quốc vừa có buổi gặp gỡ với các đối tác Việt Nam". Theo ông Cheolhwa Jung - CEO Samsung Heavy Industry, chuyến đi của các nhà đầu tư xứ sở Kim Chi nhằm tìm kiếm đối tác tại Việt Nam để chuẩn bị nền móng cho một làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong năm 2014. Còn theo một thành viên trong đoàn doanh nghiệp này, việc đầu tư nhà máy đóng tàu thủy tại Việt Nam đang nằm trong kế hoạch ngắn hạn của Samsung, với phương thức đầu tư liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài.
Đây không chỉ là tín hiệu mừng cho Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (Shipbuilding Industry Corporation - SBIC, vừa thoát thai từ Vinashin cũ) mà còn là tín hiệu tốt cho môi trường đầu tư nói chung. Thế nhưng, nói như ông Phan Vĩnh Trị, người nhiều năm giữ cương vị quản lý ở Vinashin, nếu không có một kế hoạch "học nghề" bài bản, dài hạn ngay từ đầu, chúng ta sẽ không bao giờ nắm được các khâu như tiếp thị chào hàng, mua sắm vật tư, quản lý sản xuất, thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công… để sau 10-15 năm có thể thoát khỏi thân phận những người làm thuê cấp thấp và tự tin đứng vững trên đôi chân của mình. Đó cũng là câu chuyện của hầu hết các ngành nghề khác đang có sự hiện diện của dòng vốn FDI mà công nghiệp ô tô là bài học cần rút kinh nghiệm...
Anh Thư