FTA mở đường tăng trưởng dệt may

Tổng tiêu thụ hàng dệt may trên thế giới hiện nay đạt khoảng 350 - 400 tỷ USD/năm. Do đó, với 15,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2011 ngành dệt may Việt Nam còn rất nhiều cơ hội “thâm canh”. Các hiệp định tự do thương mại (FTA) của Việt Nam, ASEAN với EU, TPP với Mỹ và nhiều nước đã có hiệu lực và đang đàm phán sẽ đưa kim ngạch XK dệt may tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
FTA mở đường tăng trưởng dệt may

Tổng tiêu thụ hàng dệt may trên thế giới hiện nay đạt khoảng 350 - 400 tỷ USD/năm. Do đó, với 15,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2011 ngành dệt may Việt Nam còn rất nhiều cơ hội “thâm canh”. Các hiệp định tự do thương mại (FTA) của Việt Nam, ASEAN với EU, TPP với Mỹ và nhiều nước đã có hiệu lực và đang đàm phán sẽ đưa kim ngạch XK dệt may tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

  • Xong Nhật Bản, Hàn Quốc... đến EU

Tăng trưởng XK dệt may Việt Nam trong những năm gần đây đạt mức cao 25% - 30%/năm. Dệt may Việt Nam đứng trong nhóm đầu các nước XK hàng dệt may tại các thị trường lớn trên thế giới nhưng kim ngạch đạt được vẫn còn khiêm tốn so với tổng tiêu thụ toàn cầu. Tại thị trường Mỹ - nước nhập khẩu dệt may số 1 của Việt Nam, chiếm 51% thị phần, đạt 5,1 tỷ USD trong năm 2011 nhưng hàng dệt may Việt Nam chỉ là phần nhỏ so với mức tiêu thụ 95 - 100 tỷ USD/năm của Mỹ. Việc gia tăng, mở rộng thị phần là mục tiêu đặt ra của ngành dệt may trong nước. Nhưng bằng cách nào để có thể đạt được một cách nhanh chóng và có cơ sở vững chắc nhất?

May áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Việt Tiến. Ảnh: Cao Thăng

May áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Việt Tiến. Ảnh: Cao Thăng

Hiện nay, 5 thị trường tiêu thị hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, thị trường Hàn Quốc có bước tăng trưởng đột phá trên 50% trong năm qua, đạt hơn 1 tỷ USD trong năm 2011 để chính thức trở thành thị trường XK lớn thứ 4 của dệt may Việt Nam, chiếm khoảng 6% thị phần XK. Có được bước tiến này nhờ vào FTA: ASEAN - Hàn Quốc, có hiệu lực năm 2010. Với hiệu lực của FTA: Nhật Bản - ASEAN (2008) và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) năm 2009 cũng đã giúp dệt may Việt Nam tăng lượng hàng XK vào đây, chiếm 13% thị phần.

Theo đánh giá của các DN, yêu cầu xuất xứ, sử dụng vải của Nhật Bản hoặc các nước ASEAN đưa ra có phần dễ thở hơn. Dù giá thành vải của Nhật Bản, các nước trong ASEAN như Thái Lan, Indonesia cao hơn so với Trung Quốc nhưng với sự liên kết hợp tác của các thành viên Hiệp hội Dệt may các nước Đông Nam Á (AFTEX), thời gian gần đây nhiều DN trong nước đã đạt được thỏa thuận mua nguyên liệu vải. Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM (Agtek) đang hỗ trợ DN xúc tiến tìm nguyên liệu tại 2 thị trường này.

Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty CP SX-TM May Sài Gòn, cho biết để tận dụng ưu đãi thuế vào thị trường Nhật, DN đã xúc tiến mua 40.000m vải jean của DN Indonesia. Dù giá bán có cao hơn so với một số nước nhưng chất lượng tốt hơn, DN có thể chấp nhận.

Đối với FTA: Việt Nam - EU đang trong quá trình đàm phán, khi có hiệu lực, hơn 90 dòng thuế và các mặt hàng liên quan sẽ dần dần hoặc được hưởng ngay thuế suất 0%. Hiệp định này sẽ mang lại cơ hội đối với nhiều mặt hàng XK của Việt Nam. Dệt may là một trong những mặt hàng XK chủ lực của nước ta vào EU hiện nay cùng với da giày, thủy sản, cà phê… Năm 2011, XK dệt may vào EU đạt khoảng 2,4 tỷ USD, chiếm 16% thị phần XK. Tuy nhiên, tại thị trường EU, thị phần dệt may Việt Nam còn khá khiêm tốn.

  • Đích nhắm TPP

Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Mỹ, Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đang mở ra cơ hội rất lớn đối với ngành dệt may nước ta. Ngoài cơ hội tiếp cận, mở rộng XK đến nhiều nước trong TPP, đích nhắm lớn nhất là thị trường Mỹ, nơi tiêu thụ hơn 1/4 sản phẩm dệt may toàn cầu.

Ông Lê Quốc Ân, cố vấn cao cấp Hiệp hội Dệt May Việt Nam, đánh giá nếu đạt được thỏa thuận trong TPP, XK dệt may nước ta vào Mỹ trong 5 năm tới sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. XK dệt may vào Mỹ hiện có thuế suất 5% - 25%, nếu đạt được thỏa thuận, thuế suất giảm còn 0%, chắc chắn dệt may Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế so với các nước khác.

Tuy nhiên, các đàm phán vẫn chưa ngã ngũ. Với tiêu chí xuất xứ phải sử dụng từ sợi trở đi của Mỹ hoặc trong các nước TPP được Mỹ đưa ra đang trở thành bất lợi đối với dệt may Việt Nam. Vì thực tế, trong chuỗi sản xuất liên hoàn từ trồng bông, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, cắt may, yêu cầu xuất xứ lại dính ngay cái yếu nhất của chuỗi sản xuất. Hiện nay, nước ta nhập khẩu nguồn bông lớn nhất từ Mỹ, chiếm khoảng 52% nhu cầu nhập khẩu. Hiện nay, 70% nguyên phụ liệu sản xuất dệt may Việt Nam phải nhập từ nước ngoài. Các đàm phán chưa thể dừng lại ở đây, cần nhiều thời gian thương thảo mới có thể đạt thỏa thuận. Vòng đàm phán thứ 13 của TPP đang diễn ra tại Mỹ.

Theo thông tin bên lề, đàm phán này đã có bước tiến, phía Mỹ có thể giảm bớt yêu cầu, đưa ra cách xử lý linh hoạt hơn. Có thể, Mỹ sẽ chấp nhận miễn thuế trong ngắn hạn, khoảng 3-5 năm đầu cho một số loại vải nhập vào Mỹ nhưng không có xuất xứ trong khu vực TPP. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận tạm thời công đoạn cắt và may tại Việt Nam.

Ngành công nghiệp phụ trợ trong nước đang nỗ lực đầu tư phát triển khâu dệt, nhuộm để kết nối, hoàn thiện chuỗi sản xuất. Thành công trong đàm phán FTA, TPP với các thị trường lớn là cơ sở để Việt Nam thu hút nhiều hơn nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành dệt, nhuộm và nguyên phụ liệu trong nước.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục