"Gã ngược đời"... để người dưng suôn sẻ!

Những người biết đến anh thường cho rằng anh là "gã ngược đời". Quê quán ở thành phố Việt Trì, có nhà cửa đàng hoàng nhưng lại chọn mảnh đất Đô Lương (Nghệ An) làm nơi "vác tù và hàng tổng". Không chịu lấy vợ nhưng lại nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi về nuôi. "Gã ngược đời" ấy là Lê Trung Thực - Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Đô Lương (sau đây gọi tắt là trung tâm).
"Gã ngược đời"... để người dưng suôn sẻ!

Những người biết đến anh thường cho rằng anh là "gã ngược đời". Quê quán ở thành phố Việt Trì, có nhà cửa đàng hoàng nhưng lại chọn mảnh đất Đô Lương (Nghệ An) làm nơi "vác tù và hàng tổng". Không chịu lấy vợ nhưng lại nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi về nuôi. "Gã ngược đời" ấy là Lê Trung Thực - Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Đô Lương (sau đây gọi tắt là trung tâm).

  •  Không lấy vợ, nuôi... con nuôi 
"Gã ngược đời"... để người dưng suôn sẻ! ảnh 1
Lê Trung Thực cùng mẹ và bé Linh Tâm

Lê Trung Thực quả là người ngược đời, từ lối sống đến cách nghĩ. Ai lần đầu tiên đến trung tâm, nếu không được giới thiệu thì "đố mà tìm ra giám đốc". Tóc bồng bềnh như không chải, áo bỏ ngoài quần, liên tục "lượn" hết phòng trẻ nhỏ đến phòng ăn… Nói chuyện bên bàn trà thì nhấp… rượu và hút thuốc lào, còn tâm tình bên chiếu rượu thì chỉ uống rượu nhắm với sung và mít non, hỏi chuyện về mình thì toàn khoe… con nuôi. Cả ngày anh chỉ "lai rai" với những món đơn giản như vậy, hai ba ngày mới "đá" một bát cơm. Ai trong trung tâm này cũng lo ngại cho sức khỏe của anh, anh cười: "Tớ không ăn được nhiều, cái tạng tớ nó vốn thế". Nói rồi anh lại đưa đũa gắp thớ cá, miếng gà -những món cây nhà lá vườn của trung tâm - ép khách dùng với "mệnh lệnh" "không dùng không nói chuyện". "Tớ đến Đô Lương có lẽ là cái duyên định", anh nói.
 
Nhà có 6 anh em trai, anh là con thứ 3. Tất cả anh em đều đã yên bề gia thất, chỉ riêng anh - dù năm nay đã 44 tuổi - nhưng vẫn chưa chịu xây dựng gia đình. Những lần về quê, gia đình bắt anh lấy vợ, anh "dọa" nếu cứ nhắc chuyện ấy thì sẽ không về nữa. Nói vậy nhưng thực tế anh cũng không có thời gian để về, tết càng không có cơ hội vì "trung tâm mà vắng bố Thực thì còn gì gọi là đoàn tụ ngày xuân". Giờ thì ngược lại, thấu hiểu được nguyện ước của anh, thỉnh thoảng bố mẹ anh lại từ ngoài Việt Trì vào trung tâm thăm con và thăm một lũ cháu. Anh thú thật là hiện thời mình vẫn không có ý định xây dựng gia đình dù có không ít "o" sẵn lòng nâng khăn sửa túi. "Nếu tớ lấy vợ chẳng khác nào bảo tớ bỏ trung tâm này, bỏ những đứa con hãy còn thơ ngây…".  

  • Quên mình để nhớ... người bất hạnh 
"Gã ngược đời"... để người dưng suôn sẻ! ảnh 2

Cuộc đời của Lê Trung Thực bôn ba khắp nơi, không chỉ trong nước mà sang tận cả Lào với đủ các công việc khác nhau. Nhưng cuối cùng, vào năm 1993 anh đến Vinh làm thầy giáo dạy… may. Năm 1997, anh tự nguyện lên Đô Lương đứng lớp dạy may cho 20 cháu khuyết tật. Lớp học kết thúc mọi người mới "ngớ ra" là không biết các cháu này sẽ bằng cách gì để có được việc làm. Nhìn những đôi mắt, những khuyết tật trên người các cháu, Thực không nỡ bỏ đi. "Các cháu phải có chỗ dựa". Ý nghĩ đó luôn bám theo anh. Anh cùng 3 cô giáo lên xin ý kiến các cấp có liên quan của Đô Lương để được bảo trợ các cháu. Nhưng những đơn vị này không có kinh phí nên chỉ đứng ra bảo lãnh còn "tất cả là ở thầy". 3 cô giáo lo giảng dạy còn Thực thì lao vào làm đủ thứ việc, từ làm đậu phụ cho đến đi thu nhặt phế liệu để có "đồng ra đồng vào". Công việc cứ thế cuốn lấy thời gian và tâm trí của Thực. Khi "sực tỉnh" muốn ra đi thì anh chợt nhận ra mình đã quá nặng lòng với những mảnh đời không may mắn nơi đây. Lớp này nối tiếp lớp khác với những học trò khuyết tật, không còn cha mẹ, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tìm đến với thầy Thực. Cho đến bây giờ, trung tâm đã mở thêm các nghề mới như mộc, làm bánh, đúc gạch, vi tính… và đã đón hàng chục cụ già không nơi nương tựa về phụng dưỡng cho đến cuối đời.

 Có một điều thiêng liêng khiến Lê Trung Thực không thể dời bỏ Đô Lương, đó là việc anh "trở thành bố". Hôm tôi đến trung tâm, Thực đang "đỏ mắt" vì bé Linh Tâm. Mỗi khi ốm đau là cô bé 16 tháng tuổi này không chịu cho ai chăm sóc ngoài bố Thực. Cách đây không lâu, có người quen ở Bệnh viện Ba Lan (TP Vinh) gọi cho anh thông báo có một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Anh lập tức xuống bệnh viện này và được biết cô bé sinh ra từ "người mẹ" còn là sinh viên, được đặt tên "gửi lại" là Nguyễn Thị Linh Nhi. Anh đem cháu về và đặt lại họ tên theo mình (và cũng như các cháu khác anh đều ghi lý lịch cụ thể). Những đứa trẻ nhận về anh đều đặt tên theo nghĩa của cái tâm, cái đức như: Lê Trung Đức, Lê Quang Đạo, Lê Thị Minh Phúc, Lê Trung Nghĩa… "Tớ đặt tên các con với tâm nguyện và hy vọng sau này chúng sẽ sống với đúng nghĩa những cái tên ấy". 

Lê Duy Cường 
 

Tin cùng chuyên mục