(SGGPO).- Tại cuộc tọa đàm về giảm nghèo bền vững nhân kỷ niệm Ngày vì người nghèo do Bộ LĐTB-XH tổ chức sáng nay 15-10 tại Hà Nội, bà Hoàng Kim Ngọc, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thực hiện chương trình đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo nhất nước theo Đề án 30a của Chính phủ về Giảm nghèo nhanh và bền vững cho 63 huyện nghèo nhất cả nước, đến nay sau gần 5 năm, cả nước đã có hơn 9.500 lao động tại các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động.
Lao động tại các huyện nghèo đã có mặt tại hầu hết các thị trường từ khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc đến các thị trường dễ hơn như Malaysia, Trung Đông... trong đó chủ yếu là đi làm việc tại các thị trường dễ tính.
Tuy nhiên theo bà Hoàng Kim Ngọc, so với mục tiêu đề ra, tốc độ thực hiện đề án như hiện nay là khá chậm và đang gặp nhiều khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Các doanh nghiệp tham gia tuyển chọn, đào tạo và đưa lao động xuất khẩu tại 63 huyện nghèo nhất nước đang gặp khó khăn về nguồn “đầu vào” do lao động sau khi đào tạo thường bỏ cuộc giữa chừng, hoặc người tham gia không đạt các tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, sức khỏe, trình độ văn hóa...
Mức trung bình, chỉ có khoảng 55% học viên tham gia các khóa huấn luyện gia đào tạo của doanh nghiệp tiếp tục gắn bó, còn lại đều bỏ cuộc, cá biệt có doanh nghiệp có tới 60% học viên bỏ về khi đang học, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, theo khảo sát thì mức đầu tư của các doanh nghiệp tham gia đào tạo, tuyển chọn lao động tại các huyện nghèo luôn cao hơn so với các khu vực khác khoảng 3-4 triệu đồng/lao động. Do đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị cần thay đổi lại một số chính sách về mức hỗ trợ cho doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời, mục tiêu chương trình cũng cần xác định không nên đưa lao động đi xuất khẩu bằng mọi giá mà nên tập trung đầu tư về chất lượng hơn chạy theo số lượng.
VĂN PHÚC