Gắn bó son sắt với nghề giáo

Gắn bó son sắt với nghề giáo

Thầy giáo Trầm Tiến Thịnh, Khoa Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm

Thầy giáo trẻ Trầm Tiến Thịnh (34 tuổi, giảng viên Khoa Công nghệ kỹ thuật cơ khí Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm, TPHCM) có bảng thành tích đáng nể: Nhiều năm liền được Bộ GD-ĐT và UBND TPHCM tặng bằng khen giáo viên dạy giỏi, danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2012 do Thành đoàn TNCS TPHCM bình chọn, gương điển hình tiên tiến năm 2013, bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng…

        Vững bước trên con đường đã chọn

Sinh ra trong một gia đình có ba theo nghề kỹ thuật, từ nhỏ Tiến Thịnh đã thích tự mày mò lắp ráp máy móc. Tốt nghiệp loại khá Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, chàng thanh niên trẻ tuổi không chọn con đường làm việc ở các doanh nghiệp với mức lương đủ sống mà chọn nghiệp sư phạm để gắn bó. Thầy Tiến Thịnh nhớ lại: “Lúc đó, ba tôi đang là phó giám đốc kỹ thuật và muốn hướng tôi vào làm kỹ sư trong doanh nghiệp. Nhưng phần vì muốn tự lập, phần vì nhận thấy công việc kinh doanh không phù hợp với tính cách nên tôi đã chọn nghề giáo dù trong nhà không có ai theo nghề này”. Gần đây, nhiều học trò cũ nay đã thành đạt, mở công ty riêng đã quay về mời ra cộng tác nhưng thầy Thịnh đều từ chối. Thầy giáo trẻ cho biết, chính tình cảm yêu mến của học trò, đồng nghiệp và sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường, đã níu giữ chân thầy hơn 10 năm qua.

Giảng viên trẻ Trầm Tiến Thịnh hướng dẫn học sinh hệ trung cấp Khoa Công nghệ kỹ thuật cơ khí, chuyên ngành Cơ điện tử.

Giảng viên trẻ Trầm Tiến Thịnh hướng dẫn học sinh hệ trung cấp Khoa Công nghệ kỹ thuật cơ khí, chuyên ngành Cơ điện tử.

Mời bạn đọc đón xem Chương trình truyền hình trực tiếp lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 16 năm 2013 cho 30 thầy cô giáo tiêu biểu, do Báo SGGP và Sở GD-ĐT TPHCM đồng tổ chức vào lúc 20 giờ, ngày chủ nhật 17-11-2013 tại Hội trường thành phố, 111 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TPHCM. (Truyền hình trực tiếp trên HTV1 vào lúc 20 giờ, phát chậm trên HTV9 lúc 20 giờ 30).

Hiện nay, miệt mài mỗi ngày 2 bận đi và về mất hơn 3 giờ vượt qua quãng đường gần 60km đến trường, bất kể mưa gió hay kẹt xe, thầy Thịnh rời nhà từ 5 giờ sáng và chưa bao giờ về đến nhà trước 8 giờ tối. “Trước đây buổi tối tôi còn tranh thủ mở máy tính làm việc nhưng hiện tại tôi đã cố gắng giải quyết hết công việc ở trường, về đến nhà chỉ dành thời gian ít ỏi còn lại cho vợ con”, thầy Thịnh chia sẻ.

Hiện tại, vợ chồng thầy đang hạnh phúc bên 2 cô con gái đáng yêu 4 và 7 tuổi. Trước đây vợ thầy cũng là sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, từng có thời gian về công tác cùng trường với thầy. Nhưng sau thấy công việc của chồng quá bận rộn, chị đã chấp nhận ở nhà chăm lo gia đình cho chồng yên tâm công tác. Với quyết định đó, gánh nặng kinh tế trong nhà dồn hết lên vai thầy nhưng nhờ có sự ủng hộ từ phía gia đình, thầy Thịnh có thể toàn tâm toàn ý cống hiến với nghề, luôn hoàn thành tốt những trách nhiệm được giao. Nói về tổ ấm nhỏ của mình, đôi mắt người giảng viên trẻ sáng lên niềm hạnh phúc: “Gia đình tôi tuy không giàu có về vật chất nhưng giàu về tinh thần. Niềm vui đôi khi chỉ giản dị là nhìn thấy con tự hào đem khoe với bạn bè về những bằng khen, giải thưởng ba mình vừa đạt được. Đơn giản thế thôi nhưng đó chính là nguồn khích lệ tinh thần to lớn đối với tôi”.

        Hết lòng vì công việc

Hiện tại, ngoài việc giảng dạy ở Khoa Công nghệ kỹ thuật cơ khí, thầy giáo Trầm Tiến Thịnh, còn kiêm nhiệm Bí thư Đoàn trường nhiệm kỳ 2012 - 2014, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chữ thập đỏ, Phó Bí thư chi bộ, Phó trưởng Phòng Công tác chính trị học sinh, sinh viên và Chủ tịch Hội sinh viên trường. Thứ bảy, chủ nhật cuối tuần, người cán bộ Đoàn năng nổ ấy chẳng mấy khi ở nhà với vợ con mà luôn có mặt ở trường làm công tác Đoàn - Hội. Thầy Thịnh chia sẻ: “Công việc tuy cực nhưng vui. Do đảm nhiệm cùng lúc nhiều vai trò nên bản thân mình cũng phải biết quán xuyến, tổ chức công việc một cách khoa học”. Tận dụng khoản thời gian rảnh ít ỏi vào cuối mỗi buổi dạy, thầy còn tự mày mò làm thêm đồ dùng dạy học phục vụ công tác giảng dạy. Đối với học trò, thầy Thịnh như một người thầy, người bạn, người anh trong gia đình. Nhiều em nay đã thành đạt vẫn thường xuyên gọi điện về hỏi thăm thầy. “Có hôm 10 giờ đêm, học trò cũ vẫn gọi điện nhờ tư vấn về kỹ thuật. Hỏi ra mới biết em đang ở công trình, gặp khó khăn cần tôi giúp đỡ. Sợi dây liên kết thầy trò nhiều khi chỉ là sự gần gũi và tin tưởng”, thầy Thịnh bày tỏ.

Thành công lớn nhất của người giảng viên trẻ Trầm Tiến Thịnh sau hơn 10 năm công tác ở trường là việc thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Ngoài việc thường xuyên tổ chức hội thảo riêng cho từng chuyên ngành, hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học do Thành đoàn tổ chức, người bí thư trẻ còn gõ cửa từng doanh nghiệp xin kinh phí tổ chức một số cuộc thi khoa học cho sinh viên trong trường như Robocon, chế tạo tên lửa nước, đồ dùng học tập để thúc đẩy tinh thần nghiên cứu khoa học trong các em. Thầy giáo trẻ Trầm Tiến Thịnh xúc động bày tỏ: “Từng trải qua thời sinh viên khốn khó nên tôi hiểu các em cần gì và mong muốn gì. Mỗi lần giúp được một sinh viên nào đó, tôi như thấy hình ảnh của mình ngày xưa. Được cống hiến, được sống lại thời tuổi trẻ, đó mới chính là lý do khiến tôi gắn bó son sắt với nghề”.

THU TÂM

>> Cô giáo Lê Kim Mai, Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Võ Thị Sáu: Gieo hạt mầm văn học

>> Thầy giáo Phạm Thế Vinh, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình: Chấp cánh gương hiếu học

Tin cùng chuyên mục