Lâu nay, tổ chức thực hiện thường được cho là khâu yếu trong kiểm điểm thực hiện nghị quyết của Đảng. Điều này làm cho nhiều nghị quyết, với những quan điểm tư tưởng cơ bản, những vấn đề cần tập trung tạo sự chuyển biến không đi nhanh vào cuộc sống và không đạt yêu cầu đặt ra. Việc triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng lần này, theo Chỉ thị 01-CT/TW của Bộ Chính trị (về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng) là phải làm tốt ở các khâu từ việc học tập, quán triệt đến tổ chức thực hiện nghị quyết.
Theo Chỉ thị 01, tất cả cán bộ, đảng viên đều phải được tổ chức học nghị quyết một cách nghiêm túc, có gắn với xây dựng chương trình hành động và xem đây là căn cứ để kiểm điểm việc thực hiện của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị và cá nhân người đứng đầu hàng năm và cả nhiệm kỳ. Cùng với tuyên truyền nghị quyết một cách sâu rộng, bằng nhiều hình thức nhằm giúp các tầng lớp nhân dân có sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện.
Nghị quyết XII của Đảng nêu những vấn đề có tính khái quát, toàn diện, ở tầm vĩ mô, cả nước. 6 nhiệm vụ trọng tâm trong cả nhiệm kỳ cũng là những đầu việc lớn. Muốn tổ chức thực hiện tốt, từ trung ương đến các cấp ủy phải cụ thể hóa, tránh sao chép, chung chung, có lộ trình, có kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời.
Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có ý kiến chỉ đạo về chấn chỉnh công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vì một số nơi có biểu hiện dễ dãi, thiếu chặt chẽ trong đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, có trường hợp chưa bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, số lượng cấp phó nhiều hơn quy định và chưa bám sát quy hoạch cán bộ... dẫn đến những dư luận không tốt trong nội bộ cơ quan, đơn vị và địa phương.
Đối với TPHCM, các đồng chí Thường trực Thành ủy đã đi kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của TPHCM và đã có những chỉ đạo cụ thể, có tác dụng thúc đẩy tình hình chung của TPHCM. Thực tiễn cho thấy, việc kiểm tra, giám sát, chất vấn trong Đảng được tăng cường, cùng với công khai, minh bạch sẽ hạn chế đặc quyền, đặc lợi và những tiêu cực, trì trệ trong Đảng.
Để tổ chức thực hiện tốt, cần phân cấp, phân quyền và làm rõ trách nhiệm, nhất là người đứng đầu. Đây là việc thuộc thẩm quyền cấp trên và chừng nào còn nhập nhằng, không quy định rành mạch thì rất khó quy trách nhiệm. Vấn đề đặt ra còn tùy thuộc vào sự nêu gương, nói đi đôi với làm của người lãnh đạo. Trong thực tế, không ít cán bộ lãnh đạo đi đến đâu cũng phát biểu chỉ đạo và trên các diễn đàn thì nói rất mạnh mẽ nhưng ở cơ quan mình biên chế vẫn phình ra, đi nước ngoài không giảm, nhiều hoạt động vẫn rình rang, lễ hội vẫn hoành tráng, vẫn sắm mới xe công, vẫn trình dự án kém hiệu quả, vẫn phóng tay trong việc chi ngân sách...
Muốn tổ chức thực hiện tốt, cần có trách nhiệm giải trình cao và không chạy theo thành tích. Lãnh đạo cần dành thời gian đi cơ sở, lắng nghe, xem xét, đánh giá sát, đúng tình hình, phát hiện điển hình, nhân tố mới, hiểu cán bộ cấp dưới và cũng hiểu được những vấn đề còn khó khăn cần tháo gỡ, những tâm trạng xã hội cần quan tâm... Cuộc sống và người dân sẽ mách bảo, sẽ gợi ý cách làm hay trong quá trình chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện. Nhiều người cho rằng, vừa qua ta có đề cập đến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống; về lợi ích nhóm; về một số kiểu chạy, cả việc chạy để được luân chuyển... là đã thấy được thực trạng và sự nghiêm trọng của tình hình, không tránh né. Nhưng nếu vấn đề được làm rõ hơn và được xử lý nghiêm, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương thì chắc chắn sẽ làm tăng thêm lòng tin trong Đảng và trong dân. Tai mắt ở nơi dân, dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cái gì khó, cần thiết thì cho làm thí điểm và có thời hạn để tổng kết thí điểm một cách nghiêm túc, tránh chủ quan, áp đặt.
Triển khai, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết XII của Đảng với tinh thần đổi mới, với yêu cầu cao, khẩn trương, quyết liệt, tạo động lực mới, khắc phục nhanh những yếu kém, trì trệ là điều mong muốn của Đảng, của dân. Với tinh thần vì lợi ích nhân dân, với phong cách sâu sát thực tiễn, nói đi đôi với làm, theo tấm gương của Bác Hồ, chúng ta sẽ xử lý nhanh hơn và có hiệu quả hơn những vấn đề đặt ra, để tổ chức thực hiện không còn là khâu yếu.
PHẠM PHƯƠNG THẢO