Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định chất lượng giáo dục đại học (ĐH) và nghề nghiệp chuyển biến chậm, chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội. Đây là vấn đề mà lâu nay dư luận rất bức xúc, đòi hỏi ngành giáo dục phải gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, không để sinh viên (SV) ra trường bị thất nghiệp hoặc làm trái ngành nhiều như hiện nay.
Đại học Bách khoa Hà Nội ký hợp tác đào tạo song hành với đối tác Đức
Cử nhân, thạc sĩ làm công nhân
Theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH, khoảng 60% SV ra trường làm trái ngành và đến đầu năm 2017, Việt Nam có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp. Hiện nay, nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất vẫn là những người lao động không được đào tạo, tiếp theo là SV tốt nghiệp ĐH do nhiều nguyên nhân như thiếu định hướng nghề nghiệp, học thụ động, hạn chế về ngoại ngữ, không chú trọng trang bị kỹ năng mềm, không xác định được mục tiêu của công việc đang tìm kiếm, thiếu sự quyết tâm để đạt được mục tiêu.
Hiện một nghịch lý đang tồn tại, đó là chưa bao giờ những cử nhân, thạc sĩ phải đi làm công nhân nhiều như hiện nay. Cộng đồng mạng đã từng cảnh báo về đội quân chạy xe ôm, Grab... có đông đảo SV ĐH, cử nhân, kỹ sư. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế (Quốc hội) cũng cho biết, có nhiều ý kiến lo ngại xu hướng thất nghiệp và thiếu việc làm đối với lao động trẻ, có chuyên môn kỹ thuật tăng lên. Bên cạnh đó, hiện tượng thất nghiệp ở độ tuổi 35 - 40 trong nhiều ngành nghề do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra, nhưng chưa có giải pháp hiệu quả để thực hiện chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (cho người sử dụng lao động dùng để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, nhằm duy trì việc làm cho lao động).
SV thất nghiệp nhiều, ngoài những lý do xuất phát từ bản thân, nhiều ý kiến cho rằng các cơ sở đào tạo cũng phải chịu trách nhiệm. Tại hội thảo quốc tế “Tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho thanh niên và SV sau khi tốt nghiệp tại Việt Nam” do ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế tình trạng thất nghiệp của SV là gắn kết giữa trường ĐH và doanh nghiệp (DN). Bởi với sự hỗ trợ của DN, SV sẽ được đào tạo bằng kiến thức, kỹ năng thực tế thay vì lý thuyết suông, qua đó chất lượng đào tạo và đặc biệt là triển vọng có việc làm nâng cao.
Đào tạo ĐH song hành
Tuy nhiên, hiện nay quan hệ giữa nhà trường và DN vẫn là một chiều, chủ yếu thông qua các mối quan hệ cá nhân. Hai bên chưa có sự phối hợp chặt chẽ và cũng chưa có cơ quan nào đứng ra gắn kết, thúc đẩy. Thậm chí, nhiều trường ĐH đã gặp khó khăn khi liên hệ để tìm chỗ thực tập cho SV bởi DN cảm thấy bị làm phiền. Ở một số ngành, SV phải tự liên hệ nơi thực tập cho mình. Nhiều môn học trong chương trình đào tạo không còn phù hợp với đòi hỏi thực tế của thị trường. Các nhà quản lý đào tạo và nhà chuyên môn chưa năng động trong việc đổi mới chương trình. Rèn luyện kỹ năng làm việc cho SV đang là đòi hỏi bức thiết hiện nay. Và điều đó chỉ có thể làm tốt khi trường ĐH tăng cường phối hợp với DN, với các tổ chức nghiên cứu.
Trong các giải pháp cho lĩnh vực giáo dục thời gian tới mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo với Quốc hội, Chính phủ nhấn mạnh sẽ rà soát sắp xếp, quy hoạch mạng lưới, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đổi mới mạnh mẽ, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục ĐH, nghề nghiệp; nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động gắn với cách mạng công nghiệp 4.0; gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo, nghiên cứu và DN.
Thực tế, các trường ĐH lớn rất quan tâm đến việc hợp tác với DN, vì vậy SV của họ ra trường thường được thị trường chào đón ngay lập tức. Mới đây, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã ký kết với Công ty VanLaack Việt Nam, hợp tác ứng dụng hệ thống đào tạo ĐH song hành trong chương trình giảng dạy cho SV ngành dệt may của trường. Theo đó, SV ngành dệt may có 50% thời gian học tập tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và 50% thời gian được tham gia các tiết học, thực hành do các giảng viên ĐH, chuyên gia từ Việt Nam và Đức đào tạo các kỹ năng mềm (ngoại ngữ, tin học, làm việc nhóm…). Như vậy, các em sẽ được đào tạo chuyên môn cao và kỹ thuật lành nghề ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thành lập Trung tâm Đào tạo thực hành VTC, giúp SV học theo hệ thống đào tạo ĐH song hành của Đức. Đây được coi là dự án đặc biệt, bởi SV được thực hành, thực tập tại DN ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đã được nhà trường xác định trong chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2025, là tăng cường hợp tác với DN. Việc ký kết hợp tác với các DN trong đào tạo nhằm tăng cơ hội việc làm cho SV, đáp ứng nhu cầu của DN, SV sẽ được thực hành trong môi trường chuyên nghiệp, hướng tới bắt kịp xu thế công nghệ chung của thế giới. Như vậy, hệ thống đào tạo ĐH song hành có triển vọng trong tương lai, nhưng chỉ có thể thực hiện nếu có DN song hành cùng trường ĐH.
Với bối cảnh thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc hội nhập quốc tế về giáo dục, liên kết giữa các trường ĐH với nhau và với DN vô cùng cần thiết. Chỉ có liên kết đào tạo giữa trường ĐH với DN mới hạn chế được tình trạng đào tạo ra rồi để đó, lãng phí cho xã hội.