Gắn kết vùng nguyên liệu với chế biến gỗ

Hiện nay, tổng diện tích rừng cả nước ước hơn 13 triệu ha, trong đó, khoảng 3,5 triệu ha là rừng trồng. Theo đề án cơ cấu lại ngành lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng từ 16,2 triệu đến 16,5 triệu ha rừng, trong đó, rừng sản xuất hơn 8 triệu ha, gồm cả rừng trồng. Nếu tạo được chuỗi liên kết, khi khai thác sẽ nâng cao thu nhập cho người trồng và là nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ.
Gắn kết vùng nguyên liệu với chế biến gỗ

Hiện nay, tổng diện tích rừng cả nước ước hơn 13 triệu ha, trong đó, khoảng 3,5 triệu ha là rừng trồng. Theo đề án cơ cấu lại ngành lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng từ 16,2 triệu đến 16,5 triệu ha rừng, trong đó, rừng sản xuất hơn 8 triệu ha, gồm cả rừng trồng. Nếu tạo được chuỗi liên kết, khi khai thác sẽ nâng cao thu nhập cho người trồng và là nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ.

“Đôi đũa lệch”: lâm nghiệp - chế biến gỗ

Ngành chế biến gỗ đã có bước phát triển rất nhanh trong hơn 10 năm trở lại đây, bình quân tốc độ phát triển tăng 2 con số mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm tăng hơn gấp đôi, lên 6,5 tỷ USD (năm 2014) so với 3 tỷ USD (năm 2010), năm 2015 dự kiến đạt 7,2 tỷ USD. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, mỗi năm ngành này phải nhập khẩu gỗ từ nhiều nước. Năm 2014 nhập khẩu gỗ hết 1,8 tỷ USD. Trong khi đó, ngành lâm nghiệp (quản lý, trồng và khai thác rừng) phát triển khiêm tốn, bình quân khoảng 5%/năm. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng suất, sản lượng trồng trọt thấp. Cả nước có 642 nông, lâm trường được nhà nước giao đất, cho thuê đất, giao quản lý với 7,9 triệu ha (trong đó có 2,4 triệu ha rừng sản xuất, gần 639.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 236.600ha đất chưa sử dụng), chiếm 90% tổng diện tích đất đang sử dụng trong 10 năm qua (từ 2004 -2014), nhưng tổng nộp ngân sách nhà nước chỉ hơn 1.800 tỷ đồng. Việc sử dụng đất kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai khá phổ biến.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Ảnh: CAO THĂNG)

2 năm nay, sau khi tái cơ cấu, ngành lâm nghiệp có sự chuyển động khá tích cực khi tăng trưởng 6,5%/năm, năm 2015 có thể đạt tốc độ tăng trưởng 7% - 8%. Dịch vụ môi trường rừng đã trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững của lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, giúp tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, tạo nguồn tài chính bền vững, giảm bớt phần nào áp lực cho ngân sách nhà nước. Tuy vậy, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp vẫn còn thấp, chỉ khoảng 3% - 3,3% giá trị sản xuất của ngành nông - lâm - thủy sản. Rừng trồng chủ yếu cung cấp dăm giấy hay dăm gỗ xuất khẩu, vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cây trồng lâm nghiệp. Gỗ rừng trồng cho chế biến gỗ còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, tình trạng đất đai manh mún và phân tán làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực do không tận dụng được tính kinh tế theo quy mô, không áp dụng được các biện pháp kỹ thuật, khó cơ giới hóa, không tạo được quy mô sản xuất hàng hóa đồng đều, làm tăng chi phí sản xuất.

Điểm nghẽn

Ngành lâm nghiệp, trong đó có chế biến gỗ là một trong ít ngành xuất siêu, hàng năm mang về khoản ngoại tệ không nhỏ cho đất nước. Có thể nói, đầu ra của rừng trồng ổn định thời gian qua nhờ xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc, Nhật Bản; tạo động lực cho người trồng rừng nên diện tích rừng trồng đã tăng trong nhiều năm qua, lên 3,5 triệu ha, mỗi năm diện tích rừng trồng tăng thêm khoảng 200.000ha. Thế nhưng, động lực này hiện nay lại trở thành “điểm nghẽn” khi không thể nâng cao giá trị gia tăng lâm sản. Dù công nghiệp chế biến phát triển mạnh hơn 10 năm qua, nhưng do thiếu gắn kết giữa nhà máy và vùng nguyên liệu nên giá trị gia tăng của lâm sản rất thấp, như nhận định của Tổng cục Lâm nghiệp. Nếu tạo được sự gắn kết này, con số xuất siêu sẽ còn cao hơn, giúp cải thiện đời sống người trồng rừng và nâng khả năng cạnh tranh ngành chế biến gỗ.

Cây gỗ rừng trồng tràm bông vàng xuất khẩu giá 130 - 145 USD/tấn dăm, nhưng khi sản xuất ra ghế như Công ty Theodor Alexander (TPHCM) bán với giá 100USD/chiếc. Vì không thể mua được cây rừng tràm nguyên liệu trong nước (đường kính thân gỗ quá nhỏ, dưới 10cm) nên phải nhập khẩu để chế biến. Loại cây rừng trồng này có thể tạo ra giá trị gia tăng cao nếu như không thu hoạch sớm. Do chính sách của nhà nước với người trồng rừng chỉ đến năm thứ 4. Vì vậy, người dân phải trồng 4.000 cây/ha nhằm tạo ra sinh khối tối đa trong 4 năm để bán, nên giá trị mang lại thấp. Vấn đề là làm sao để tạo ra sự kết nối giữa doanh nghiệp chế biến với người trồng, cũng như tạo ra được niềm tin với người trồng nếu xảy ra bất trắc (ví dụ như thiên tai làm ngã đổ cây nếu trồng kéo dài thời gian). Để giải quyết bất cập này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Scansia Pacific, cho biết công ty đã hợp đồng với người trồng rừng 4 tỉnh miền Trung. Theo đó, rừng tràm đến năm thứ 4 chỉ tỉa thưa chứ không khai thác trắng. Để đảm bảo cho người trồng, công ty sẽ tiêu thụ hết với giá thị trường nếu sau đó cây bị mưa bão làm ngã đổ. Sau 7 năm, công ty cam kết bao tiêu hết, nếu gỗ có chứng chỉ rừng FSC (Hội đồng quản trị rừng quốc tế) thì sẽ mua cao hơn 25% so với gỗ chưa FSC. Từ năm thứ 5, hộ dân nào cần vốn, công ty cho vay 4 triệu đồng/ha/năm với lãi suất ngân hàng và giảm 2%, trả sau khi bán gỗ cho công ty. Với cách làm này, nông dân các tỉnh đã ký hợp đồng với gần 1.000ha.

Năng suất rừng trồng còn thấp so với các nước khu vực, sản phẩm chủ yếu là gỗ nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn cho ngành công nghiệp chế biến. Giá trị thu nhập chỉ 7-8 triệu đồng/ha/năm nên đa phần người dân chưa sống được từ nghề trồng rừng, thu nhập bình quân ở vùng lâm nghiệp phát triển chỉ chiếm 40% - 45% tổng thu nhập, những khu vực khác khoảng 20%.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục