Ý kiến các luật sư quanh vụ hành hung khách tại quán cơm Minh Đức

Gây thương tật dưới 11% vẫn phạm tội…

Vụ ông Tô Minh Đức (tham tán Đại sứ quán VN tại Campuchia) cùng vợ là bà Phạm Thị Mỹ Dung bị hành hung tại quán Minh Đức (đường Tôn Thất Tùng, quận 1) vào trưa 18-1 là vụ việc được dư luận khá quan tâm. Vấn đề đặt ra: sau vụ này, các “thượng đế” thực sự lo ngại trước hành vi côn đồ ở một số quán ăn, nhà hàng và chẳng lẽ pháp luật lại bó tay? Dưới đây là ý kiến của một số luật sư xung quanh vụ việc này.

Luật sư Trần Hải Đức: “Chủ quán Minh Đức chưa thiện chí”

Nếu tỷ lệ thương tật của bà Dung được giám định từ 11% trở lên là đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự. Nếu dưới 11% mà bà Dung chứng minh được mình là người già yếu, ốm đau hoặc không có khả năng tự vệ thì hành vi của các nhân viên trong quán cơm Minh Đức cũng đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích.

Điều mà ông Hậu, chủ quán, cho rằng các nhân viên xông vào chỉ để “thọt lét” là không trung thực. Ở đây đã gây ra thương tích thì các nhân viên phải dùng một lực mạnh tác động vào, như vậy là cố ý gây thương tích. Hơn nữa, việc ông Hậu thông qua báo để xin lỗi người bị hại và hứa bồi thường thiệt hại là chưa thể hiện được thiện chí của mình. Tại sao ông không vào thẳng bệnh viện để thăm và nói lời xin lỗi?
Luật sư Trương Quốc Phòng: “Đó là hành vi côn đồ”

Rõ ràng đây là hành vi hành hung người khác có tính chất côn đồ, bởi cả chục người xúm lại hành hung 2 người khách trong chính cửa hàng của mình. Hơn nữa, ông tham tán đã van xin, năn nỉ nhưng vẫn không được tha, phải bỏ chạy. Với những hành vi côn đồ như trên, rất cần một sự trừng trị thích đáng của pháp luật để bảo vệ người dân.


Luật sư Bùi Ngọc Phát: “Phải bảo vệ người tiêu dùng”

Trong trường hợp này, bà tham tán cần được đưa đi giám định thương tích để xác định tỷ lệ thương tậät do bị hành hung. Cần xem xét, xác định khi bà Phụng Hiệp cùng một số nhân viên quán Minh Đức có dấu hiệu phân công hoặc ngầm thỏa thuận như có người giữ tay, người giữ chân để nạn nhân không thể phản kháng hay không…

Nếu có, tình tiết tăng nặng được quy định tại Điểm a, Điểm d Điều 48 BLHS. Ngoài ra, căn cứ Khoản 1,2,3 Điều 307 Bộ luật Dân sự, buộc phía chủ quán Minh Đức phải bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín cũng như tổn thất về sức khỏe, tinh thần cho nạn nhân theo đúng quy định của pháp luật.

Chúng tôi cho rằng cần phải làm rõ sự việc và xử lý nghiêm minh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không riêng của vợ chồng ông bà tham tán mà còn của mọi người dân, người tiêu dùng vì họ đáng được tôn trọng về nhân phẩm và danh dự  mà pháp luật đã quy định.

 Tháng trước, anh Lê Văn Phúc (ngụ tại 416/3 Nguyễn Thượng Hiền, quận 3) đã bị nhân viên quán cơm Đào Lâm, góc ngã tư Hàng Xanh, phường 25, quận Bình Thạnh vây đánh vì… không chịu vào quán ăn cơm! Anh Phúc là tài xế lái xe cho Xí nghiệp bê tông Hồng Hà (Bình Dương), khi anh chở 4 nhân viên của công ty đi ngang quán này thì các nhân viên quán này chặn xe “tiếp thị” nhưng anh lại ghé vào quán cơm bên cạnh. Lập tức, nhân viên quán Đào Lâm liền xông tới đánh anh và một số thanh niên của quán cầm gậy dí đánh những nhân viên trên xe. Anh Phúc được đưa vào bệnh viện và vụ việc được trình báo với công an phường. Kết quả là quán  cơm Đào Lâm đồng ý bồi thường cho anh Phúc một chiếc điện thoại di động bị mất trong lúc xảy ra xô xát và 300.000đ tiền thuốc men.

Hàn Ni (ghi)

Tin cùng chuyên mục