Ngày 30-8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8, bàn về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2018.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng cho rằng, tình hình tháng 8 tốt hơn tháng 7, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2018 tăng 0,45% so với tháng trước. CPI bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục phát triển mạnh, xu hướng tăng tốt hơn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,2%. Xuất siêu 2,8 tỷ USD. Đến nay, có trên 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tình hình đầu tư cải thiện rõ nét.
Tính đến 20-8, tổng vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) đăng ký đạt trên 24,3 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Niềm tin của các nhà đầu tư ngoại tiếp tục được khẳng định khi mà nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng phát triển của Việt Nam. Cả nước có trên 87.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Có 21.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 9,3%.
Tuy nhiên, tình hình tháng 8 và 8 tháng đầu năm cũng nổi lên một số vấn đề tồn tại, hạn chế như kết cấu hạ tầng bị ảnh hưởng nhiều bởi mưa lũ, giá một số mặt hàng nông sản trên thế giới đang giảm, tình hình cháy nổ, tai nạn giao thông...
Từ các báo cáo, đánh giá sơ bộ của các bộ ngành chức năng, Thủ tướng cho biết, một điều đáng mừng là qua phân tích, 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. GDP có khả năng đạt trên 6,7%, thu ngân sách vượt dự toán 3-5%, nợ công giảm, lạm phát dưới 4%. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Năng suất lao động tăng.
Nhắc đến việc có thông tin bôi xấu sản phẩm cá tra Việt Nam, Thủ tướng đề nghị cần có biện pháp xử lý vấn đề này một cách kịp thời hơn. Các Bộ Công thương, NN-PTNT cần tập trung xử lý ngay vụ việc này khi đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các chỉ tiêu, định hướng năm 2019, giai đoạn 2019 – 2021, tăng trưởng ở mức nào. Thủ tướng nhận định, trước bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, quy mô nền kinh tế trong nước đã lớn hơn, việc tăng thêm 1% GDP rất khó khăn, điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của các cấp, các ngành để đạt, vượt kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT về dự kiến kế hoạch năm 2019, GDP năm 2019 được đặt ra tăng khoảng 6,6-6,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 – 8%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4 – 5%....
Chiều tối nay, Văn phòng Chính phủ họp báo về nội dung phiên họp. Tại phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Chính phủ sẽ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày tóm tắt Báo cáo tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết; tình hình ban hành văn bản cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng tháng 8-2018; nghe, cho ý kiến về các báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2019 – 2021… |