Ghép tạng không cần dùng thuốc chống thải ghép

Ba công trình nghiên cứu vừa công bố trên New England Journal of Medicine về các ca ghép tạng mà người nhận không phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời. Tuy những kỹ thuật mới này có khác nhau nhưng cả 3 đều dựa trên nguyên tắc “tập” cho hệ miễn dịch của người được ghép tạng nhận biết tạng đó là “của mình”.

Những công trình trước đây trên chuột và khỉ đã cho thấy, ghép tạng kết hợp tiêm các tế bào gốc trong máu có thể làm con vật nhận tạng không cần thuốc chống thải ghép.

Các tế bào gốc trong máu do tủy xương sinh ra và tạo thành các tế bào bạch cầu, trong đó có các tế bào B sinh ra kháng thể và các tế bào T phân biệt người cho tạng với người nhận tạng. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, ghép các tế bào này vào người cho tạng đã tạo ra một hệ miễn dịch lai, kết quả là cơ quan ghép không còn bị cho là “ngoại lai” nữa mà phần nào đã trở thành “bản thân”.

Nhóm của M. Stormon ở Bệnh viện Nhi Westmead (Australia) có ca ghép gan cho một bé gái 9 tuổi bị viêm gan, đã ngưng thuốc chống thải ghép và không gặp rắc rối nào từ đó đến nay đã 4 năm. Nhóm của S. Strober ở Đại học Stanford (Mỹ) đã ghép thận mới và truyền máu giàu tế bào gốc tạo máu cho bệnh nhân với các cơ quan ghép đều lấy từ người anh.

Các xét nghiệm gien cho thấy tế bào miễn dịch của người anh vẫn còn trong máu bệnh nhân hơn 2 năm sau phẫu thuật và bệnh nhân đã ngưng dùng thuốc chống thải ghép. Nhóm của D. Sachs ở Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) báo cáo về 4 ca ghép thận và tủy xương thành công mà người cho tạng không có liên hệ họ hàng với bệnh nhân.

Cả 4 bệnh nhân đều ngưng uống thuốc chống thải ghép sau gần 1 năm phẫu thuật. Các nhà khoa học đang nghiên cứu trên nhiều bệnh nhân và nếu trôi chảy, kỹ thuật mới sẽ phổ biến trong 5 đến 10 năm nữa.

V.Hà (theo Nature)

Tin cùng chuyên mục