Tại hội nghị “Khoa học Ghép Tạng Việt Nam – 2013”(do Roche đồng tài trợ) vừa tổ chức tại TPHCM, các GS, PGS, TS, chuyên gia đầu ngành đã có những bàn luận về tình hình ghép tạng tại Việt Nam. Tính đến nay, ngành ghép tạng Việt Nam chỉ mới thực hiện được hơn 700 ca ghép tạng, 10 ca ghép tim và 12 ca ghép gan.
Những bước tiến dài
Theo GS.TS. Trung tướng Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc Học viện Quân y quá trình phát triển ghép tạng ở Việt Nam được chia làm 2 giai đoạn: từ người cho sống và từ người cho chết não. Năm 1992 ca ghép thận đầu tiên ở Bệnh viện (BV) 103 thành công, đánh dấu bước ngoặt phát triển của ghép tạng tại Việt Nam. Tiếp đó 17 năm sau là giai đoạn chỉ thực hiện ghép tạng từ người cho sống. Đến khi bước sang năm 2010, ngoài ghép tạng từ người cho sống, các BV, trung tâm ghép tạng đã thực hiện ghép tạng từ nguồn cho của người chết não.
Năm 2010 được xem là mốc phát triển dài của ghép tạng Việt Nam với ca ghép 2 quả thận từ người cho chết não được thực hiện vào tháng 2 tại BV Chợ Rẫy. Tiếp đó, vào tháng 5-2010, BV Việt Đức cũng đã ghép cả gan và thận từ người cho chết não. Đáng chú ý, vào thời điểm giữa tháng 6 năm 2010, ca ghép tim đầu tiên tại Việt Nam thực hiện ở Học viện Quân y đã thành công dưới sự trợ giúp của các chuyên gia Đài Loan. Tiếp đà thành công này, tháng 3 năm 2011, BV TW Huế đã tự chủ, độc lập trong ca ghép tim thứ 2 ở nước ta và cũng thành công ngoạn mục. Đặc biệt, cùng thời điểm này, BV Việt Đức đã lấy tạng của một người cho chết não và cùng một lúc tiến hành độc lập 3 loại ghép: tim, gan, thận cho 4 bệnh nhân.
Thực tế cho thấy, tại các nước phát triển, khi khoa học công nghệ tiên tiến thì mới tiến hành ghép tạng. Nhưng ở nước ta thì đi ngược lại, ghép tạng được thực hiện trước sự phát triển của khoa học công nghệ.
Tính đến nay, sau hơn 20 năm, nước ta đã có những bước tiến dài trong lĩnh vực ghép tạng. Với hơn 700 ca ghép tạng, đặc biệt 10 ca ghép tim và 12 ca ghép gan và hơn 400 ca ghép thận. Đây được xem là một nỗ lực không nhỏ của ngành y tế trong lĩnh vực ghép tạng Việt Nam.
Không thể phủ nhận sự tiến bộ vượt bậc của ghép tạng tại nước ta. Từ việc phải nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài cho những ca ghép đầu tiên, thì đến nay, nước ta đã có nhiều trung tâm, BV có thể chủ động được các kỹ thuật ghép tạng tiên tiến, phức tạp. Như tại BV Chợ Rẫy, BV Việt Đức, BV TW Huế, BV Bạch Mai, BV Đà Nẵng, BVĐK Kiên Giang, BV Nhi TW, BV Nhi Đồng 2.
Tính nhân văn từ cộng đồng
Nhu cầu ghép tạng ở nước ta rất cao, nhưng gặp nhiều trở ngại do thiếu nguồn tạng hiến, mà đặc biệt là từ người chết não. Do vấn đề tín ngưỡng, tâm linh nên nhiều trường hợp chết não không được gia đình đồng ý hiến tặng. Chính thách thức này đã khiến ngành y tế chưa thể thực hiện được nhiều ca ghép tạng như mong muốn.
Tại Việt Nam có nhiều công trình nghiên cứu về ghép tạng mà nguồn cho từ người chết não. Hiện nước ta có 12 trung tâm ghép thận, 5 trung tâm ghép gan, 3 trung tâm ghép tim. Tuy nhiên, số bệnh nhân được ghép tạng từ nguồn cho từ người chết não chỉ có 9 bệnh nhân tim, 12 bệnh nhân gan và 31 bệnh nhân thận. Điều gì làm hạn chế người chết não hiến tạng? Theo GS Phạm Gia Khánh “Dù đã có luật về hiến tạng từ người cho chết não từ năm 2006 nhưng đến nay, số người hiến tạng chết não rất ít, điều này do ảnh hưởng tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng trong nhân dân. Do đó, cần phải truyền thông rộng rãi đến cộng đồng để người dân hiểu biết và ủng hộ. Điều này vô cùng có ý nghĩa. Bởi chỉ một người chết não hiến tạng, sẽ có thể ghép tạng và cứu sống được 6, 7 người”.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý – Khám chữa bệnh cho rằng, nguồn tạng hiến là vô cùng quan trọng. “Khi ngân hàng tạng hiến nhiều hơn, nguồn tạng hiến có thường xuyên hơn thì chắc chắn nhiều người bệnh giai đoạn cuối sẽ được cứu sống, đồng thời giảm chi phí ghép, tăng khả năng tiếp cận của những người bệnh nghèo có nhu cầu được ghép tạng”.
Để ghép tạng đạt hiệu quả cao nhất, bệnh nhân sẽ được tăng cường sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch mạnh để giúp giảm tỷ lệ thải cơ quan ghép, nhưng đồng thời lại làm tăng khả năng nhiễm trùng cơ hội. Đặc biệt, cytomegalovirus (CMV, virus cự bào) là một trong những tác nhân gây nhiễm trùng cơ hội thường gặp và cho đến nay nó vẫn là mối đe dọa nguy hiểm cho các bệnh nhân ghép tạng. Bệnh do cytomegalovirus thường xảy ra sau khi ghép, tiên lượng xấu vì làm giảm chức năng của tạng ghép. Trường hợp nặng có thể đưa đến tổn thương đa phủ tạng và cuối cùng là tử vong.
Chính vì vậy, theo các hướng dẫn của Hội ghép tạng thế giới, việc chẩn đoán sớm cũng như điều trị dự phòng nhiễm cytomegalovirus sau ghép tạng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống, nhằm bảo đảm kết quả lâu dài cho bệnh nhân ghép tạng.
HỒNG ĐỨC