Ghi ngược đường rẻo cao

Ghi ngược đường rẻo cao

Tết đang cận kề. Người thành phố, đồng bằng đang lo những “chuyện to” như khủng hoảng kinh tế sẽ ảnh hưởng đến cái tết của mình thế nào. Còn với người miền rẻo cao Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) gần như những chuyện to lớn ấy khó len vào trong nếp nghĩ. Người Mông, Khơ Mú, Thái... cũng lo đón tết, nhưng theo cách của người nghèo vùng cao, với những thứ mình có được từ mớ rau, con gà và to nhất là con bò chung nhau. Còn với những người miền xuôi lên công tác lại khấp khởi tết này ở lại hay về... Trong những ngày này, ngược lên miền Kỳ Sơn tôi bắt đầu cảm nhận được điều đó. Những gì mắt thấy, tai nghe chỉ là một góc nhỏ, rất nhỏ, nhưng hy vọng qua đó phần nào thấy được về cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở một trong những huyện nghèo nhất nước này.

Đường lên miền rẻo cao huyện Kỳ Sơn - Nghệ An.

Đường lên miền rẻo cao huyện Kỳ Sơn - Nghệ An.

1. Mùa này miền rẻo cao Kỳ Sơn đang là mùa khô. Dọc tuyến đường từ thị trấn Mường Xén lên “cổng trời” Mường Ải hoa đào đã lác đác nở đầu các con dốc, bên các hiên nhà... Nhưng cảnh đẹp cũng không che được cái gian nan của cung đường lên “cổng trời”. Có đi tuyến đường này mới càng thêm thấu hiểu câu “giúp bạn là giúp mình”. Xe đi phía trước mắc lầy là cả hội phía sau phải lên tiếp sức, nếu không muốn đứng ngáp vặt và hút thuốc giữa rừng. Có bận, đến đoạn đường gần bản Nhãn Lỳ (xã Tà Cạ), một xe ô tô chở đồng bào dân tộc sa lầy. Tất nhiên là mọi người phải dừng lại “hò dô”. Miệng thở phì phò ra “khói” vì rét và nóng, nhưng vẫn phải phì cười khi đồng bào có người bảo “ơ, xe ta không muốn chui xuống lỗ đâu mà. Xe ta xuống lỗ để thử coi các cán bộ có tốt không thôi”.

Sau khi cứu được xe lên, người toát mồ hôi, nhưng nhìn xuống dòng Nậm Mộ thăm thẳm như treo con đường mon men bên sườn núi, chợt thấy ớn lạnh trong người. Nhiều đoạn không dám nhìn xuống sông. Nậm Mộ, dịch nôm na, “nậm” là nước-sông, còn “mộ” nghĩa là ông. Cứ chốc chốc, nhìn xuống “ông” là lạnh toát sống lưng, không dám nghĩ về ranh giới giữa sự sống và cái chết. Vì thế mà cứ dấn thêm được một đoạn đường lại càng khâm phục các thầy cô lên cắm bản, bộ đội biên phòng lên cắm chốt và thương những người dân trên “cổng trời” Mường Ải xa ngái.

2. Càng gần đến tết, cô Hà - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú-THCS Nậm Típ, không khỏi háo hức. Không phải là cái háo hức của trẻ mong tết, mà khác thế, nhưng có lẽ hơn thế. Hà quê ở huyện Tương Dương, lên công tác tại trường đã được trên 4 năm. Cô mới lấy chồng được hơn 2 tháng. Ngay sau ngày cưới, vợ phải ngược lên “cổng trời” Mường Ải tiếp tục lo cái chữ, còn chồng xuôi về với công việc của anh cán bộ xã ở huyện Anh Sơn. Tôi trêu “có lẽ buồn lắm nhỉ?”. Cô giáo Hà chỉ cười “vì nhiệm vụ mà anh”. Đúng là cũng vì nhiệm vụ, nên chàng trai trẻ Vũ Ngọc Hoa dời thị trấn Mường Xén lên xã Bắc Lý - đầu nguồn sông Nậm Nơn công tác. Nhưng Hoa may mắn hơn Hà vì anh đã gặp và lấy một người cùng công tác trong UBND xã Bắc Lý. Quãng đường từ Bắc Lý về Mường Xén trên 80km, nhưng đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Chỉ tính đơn giản, mỗi lần muốn gọi điện thoại, Hoa lại phải xuống Đồn Biên phòng Mỹ Lý mới có sóng. Quãng đường chưa đầy 10km nhưng đi mất cả tiếng đồng hồ. Vì xa xôi, ngày thường không về được, nên tết là thời gian thích hợp nhất để đôi vợ chồng trẻ về thăm bố mẹ hai bên gia đình.

Những đứa trẻ ở bản Huồi Bắc (xã Bắc Lý, Kỳ Sơn).

Những đứa trẻ ở bản Huồi Bắc (xã Bắc Lý, Kỳ Sơn).

3. Trong những ngày này, dọc các tuyến đường trên miền Kỳ Sơn bắt gặp người dân đem nông thổ sản đến các chợ của xã, của vùng để bán. Họ bắt đầu lo cho cái tết của mình, theo cách của người nghèo dân tộc vùng cao - “bán cái của mình cho người khác, mua cái của người khác cho mình”. Tại chợ Huồi Tụ, nơi tập trung mua bán của đồng bào người Mông, người Khơ Mú, Thái... Những bó cải Mông, xu le được bó lại đem xuống chợ bán 5.000 đồng/bó, dong diềng 3.000 đồng/kg,... Có hai thứ đặc sản “bình dân” của vùng này đó là gà đen và khoai sọ. Khoai sọ giờ đã là thời điểm cuối mùa, giá chỉ còn 10.000-13.000 đồng/10kg thay vì trên 15.000 đồng như trước đây. Còn gà đen bán tại chợ chỉ được 180.000 đồng/kg, nếu đem xuống thị trấn Mường Xén sẽ bán được giá thấp nhất là 200.000 đồng. Nhưng người dân trong vùng không thể đem gà xuống bán, vì “không có cái xe, chỉ có cái chân thôi”. Thịt bò giàng cũng là đặc sản của Kỳ Sơn, nhưng đây là đặc sản “cao cấp”, với giá trên dưới 750.000 đồng/kg. Ông Cụt Phò Dương, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý cho hay, các thứ đặc sản của vùng được người dân đem bán ra nhiều trong dịp này là để có tiền sắm tết. “Hồi xưa, người vùng mình, nhất là người Mông, ăn tết của riêng mình trước người dưới xuôi khoảng 1 tháng. Nhưng nhiều năm nay người vùng mình cũng ăn tết cùng như người dưới xuôi”, ông Dương nói.

4. Cùng ông Mùa Nỏ Xừ, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn vào công tác tại xã Bắc Lý. Đường từ Mường Xén vào Bắc Lý mùa này sương mù dày đặc. Ô tô dạng “đặc chủng”, do tay lái chuyên đường rừng Hà Bá Rê của UBND huyện Kỳ Sơn điều khiển, nhưng cũng phải đi theo kiểu dò đường. Nhiều khúc xe cạ gầm nghe kến tai, nhiều đoạn thấy mình như bồng bềnh trong cõi hỗn mang. Qua “eo cổng trời” ở xã Mỹ Lý, Phó Chủ tịch Xừ, bảo ngày xưa khu vực này không có đường ô tô, xe máy, chỉ có đi bộ xuyên rừng mới đến được với bà con. Nhưng đi bộ cũng phải đi thành tốp nhiều người vì qua khu vực này nhiều hổ, báo và sợ... ma. Bây giờ đã đi xe được vào các trung tâm xã Mỹ Lý, Bắc Lý, nhưng cái nghèo thì vẫn “chưa đi ra được”. Rồi ông Xừ chợt bảo “nhà báo nhớ giúp mình”, rằng đất Kỳ Sơn có nhiều đặc sản lắm, như gà đen, bò giàng, khoai sọ, chè Tuyết shan,... nhưng huyện còn nghèo lắm. Đất Kỳ Sơn không có mùa xuân và mùa thu, chỉ có mùa mưa và mùa khô. Nơi đây có gần 8 vạn anh em các dân tộc, trong đó có 38% người Mông, 33% Khơ Mú, 28% Thái, ngoài ra là người Kinh và Hoa. Kỳ Sơn là huyện nghèo nhất Nghệ An và là một trong những huyện nghèo nhất nước. Tết này, người dân nhiều nơi trên miền rẻo cao Kỳ Sơn lại phải tiếp tục nhận hỗ trợ từ “dưới” mới mong có được cái tết ấm.

Duy Cường

Tin cùng chuyên mục