Giá bông giảm mạnh, doanh nghiệp dệt sợi gặp khó

Đánh vào chỗ yếu
Giá bông giảm mạnh, doanh nghiệp dệt sợi gặp khó

Sau khi đạt đỉnh vào tháng 4-2011, với mức giá kỷ lục trên 5 USD/kg trong lịch sử 150 năm giao dịch bông trên thị trường thế giới, bông vải đã làm điêu đứng đầu vào cho ngành dệt may. Song từ đó đến nay, giá bông lại trên đà tụt dốc, giảm đến 70% giá so với đỉnh điểm, chỉ còn dưới 2 USD/kg, thậm chí có lúc giảm còn 1,5 USD/kg. Dù giảm giá nhưng ngành dệt, sợi cũng một phen lên bờ xuống ruộng. Tại Việt Nam (VN), ảnh hưởng khó khăn chung của kinh tế, cộng với sự bất ổn dồn dập của giá bông đã làm nhiều doanh nghiệp (DN) dệt sợi phải đóng cửa.

Xí nghiệp may Kon Tum do Công ty may Nhà Bè đầu tư đã giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên địa phương, trong đó có đồng bào các dân tộc. Ảnh: Thái Bằng

Xí nghiệp may Kon Tum do Công ty may Nhà Bè đầu tư đã giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên địa phương, trong đó có đồng bào các dân tộc. Ảnh: Thái Bằng

Đánh vào chỗ yếu

Chuỗi sản xuất của ngành dệt may VN được ví như chiếc đồng hồ cát, trong chuỗi trồng bông, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, may thì VN yếu đoạn giữa. Chính vì các khâu sản xuất không thể kết dính với nhau nên đầu vào sản xuất dễ bị tác động khi thị trường thế giới có biến động về giá. Bông trong nước chỉ đáp ứng được 1,5% nhu cầu sản xuất, phải nhập khẩu đến 98,5% từ nước ngoài. Sợi kéo được nhưng 60% dành cho xuất khẩu vì dệt, nhuộm, hoàn tất còn yếu do thiếu công nghệ, đầu tư.

Hiện nay, mức sản xuất bông toàn cầu khoảng 24 triệu tấn/năm. Có những nước trồng bông dành một ít cho sản xuất nội địa và bán. Do vậy, sản lượng bông thương mại, giao dịch trên thị trường thế giới ở khoảng 8 triệu tấn/năm. Trong 8 triệu tấn này, Trung Quốc là nước nhập khẩu bông nhiều nhất thế giới, nhu cầu nhập khẩu hàng năm khoảng 1,5 - 2 triệu tấn. Ấn Độ là nước sản xuất bông lớn thứ 2 thế giới, nếu họ giữ bông lại cho sản xuất nội địa, không xuất khẩu thì thị trường bông thế giới sẽ có biến động ngay. Đây là những yếu tố then chốt làm cho thị trường bông năm 2011 biến động dữ dội, khi các nước dự trữ, đầu cơ bông.

Khi giá bông tăng cao, người dân các nước lại đổ dồn trồng bông dẫn đến dư thừa cho niên vụ bông năm 2012. Việc sản lượng bông ở các nước cung cấp lớn như Mỹ, Ấn Độ, Australia… nhích lên là một phần nguyên nhân làm cho giá bông giảm mạnh hiện nay. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chính khủng hoảng kinh tế, sức mua giảm mạnh, sản xuất giảm là lý do quan trọng làm cho giá bông giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2012, VN nhập khẩu bông trị giá 445 triệu USD, giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm 2011.

Đại diện Công ty Agtex 28 cho biết, 4 tháng trước giá bông khoảng 3 USD/kg, đến nay giảm còn một nửa. Các công ty dệt sợi thường phải mua bông trước 2 - 3 tháng để sản xuất, nhưng với giá biến động liên tục như hiện nay đều lỗ nặng. Do giá nguyên liệu đi xuống có đến 1/2 DN tư nhân đã đóng cửa, ngưng sản xuất.

Ông Lê Đông Triều, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Gia Định nhận xét, giá nguyên liệu giảm cách quãng làm ảnh hưởng đến điều tiết sản xuất của DN. Hiện nay, người bán và người mua phải chấp nhận thỏa thuận để đảm bảo giá hợp lý cho cả hai. Ngoài tác động từ khó khăn kinh tế, việc tuân thủ sản xuất đảm bảo môi trường phần nào làm giảm sản lượng sản xuất của DN. Trong trường hợp này, DN phải linh hoạt để duy trì hoạt động, thay vì dệt vải jean như trước thì nay chuyển sang đơn hàng dệt vải bạt, bố để không vướng vào điều kiện ô nhiễm môi trường. Áp lực về điều kiện môi trường, tìm nơi mới để di dời sản xuất, nguồn vốn để đầu tư làm các DN dệt nhuộm tại TPHCM chọn giải pháp ngừng sản xuất hoặc chuyển sang kéo sợi.

Khó nâng diện tích trồng bông

Ông Dương Việt Thành, Giám đốc điều hành Công ty CP Bông Việt Nam (VCC) cho biết, ở niên vụ năm 2011, khi giá bông tăng cao DN đã điều chỉnh tăng giá mua bông hạt cho nông dân từ 12.000 đồng/kg lên 14.000 đồng, rồi 16.000 - 17.000 đồng, thậm chí thời điểm cao nhất tăng lên 20.000 đồng/kg, người trồng bông rất hớn hở. Tuy nhiên, khi giá bông đã giảm mạnh xuống như thời điểm hiện nay, DN rất đắn đo vì đằng nào cũng phải chịu lỗ! Hiện nay, DN mua bông của nông dân ở mức 12.000 đồng/kg bông hạt. Đây là mức giá để giữ người trồng bông vì nếu giảm theo giá thị trường, e rằng nông dân sẽ không trồng bông nữa. Trong hơn 10.500ha bông trồng tại VN, lượng bông VCC mua chiếm khoảng 60% - 70% diện tích trồng, chủ yếu là các hợp đồng mua với người dân. Với giá giảm như hiện nay DN đang lo sợ diện tích, sản lượng bông sẽ giảm xuống trong vụ mùa mưa tới. Dự báo, diện tích gieo bông mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 12 sẽ giảm mạnh.

Theo quy hoạch, đến năm 2015, VN trồng được khoảng 30.000 ha bông, đến năm 2020 trồng được 70.000 ha. Đó là mục tiêu đề ra, tuy nhiên, với cách đầu tư, trồng bông như hiện nay thì ngành sợi vẫn phải “đói” bông trong nước. Để có được quy hoạch căn cơ, ổn định lâu dài, nhất định phải thay đổi cách trồng bông. Vì trước những biến động giá lên xuống, bài toán đảm bảo kinh tế không làm người trồng trung thành với cây bông được. Việc có những trang trại lớn, diện tích lớn do DN đầu tư, trồng là cơ sở cho sự bền vững của việc tăng diện tích trồng bông trong nước. Khi đã ổn định được một khâu đầu vào thì chuỗi sản xuất dệt may mới có thể phát triển bền vững.

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục