Giá cả và cái tâm của người bán

Những ngày qua, đi đến đâu cũng nghe người dân nói chuyện giá hàng hóa tăng cao. Các bà nội trợ đau đầu vì bài toán cân đối thu chi hàng ngày. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang cân nhắc việc đầu tư trong bối cảnh chi phí đầu vào vẫn trong đà tăng. Nói cách khác, câu chuyện về bó rau, con cá đã và đang trở thành tâm điểm của đại đa số người dân thành phố trong những ngày qua.

8 mặt hàng lương thực, thực phẩm nằm trong chương trình bình ổn giá của TPHCM được bán tại các hệ thống siêu thị và cửa hàng của 14 doanh nghiệp tham gia chương trình đến nay giá bán vẫn tương đối ổn định như đã cam kết. Nhưng bên ngoài chương trình bình ổn, theo thống kê sơ bộ tại một siêu thị, tính từ giữa tháng 10-2010 đến nay đã có khoảng 10 nhóm hàng có mức tăng thấp nhất 3%-5%, cao là từ 7%-10%, cá biệt có nhóm hàng tăng “nóng” từ 25%-30% như rau củ quả các loại. Thị trường đã hình thành một mặt bằng giá mới? Mức tăng này có hợp lý hay không? Nhiều doanh nghiệp (DN) và chuyên gia cho là hợp lý.

Vì lẽ, giá nguyên liệu trên thế giới đã tăng mạnh từ đầu tháng 6-2010, chi phí đầu vào tăng, tỷ giá biến động mạnh… nên giá thành buộc phải tăng theo là điều đương nhiên. Nói như ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Công ty Casumina, giá bán các loại thành phẩm của Casumina từ trong năm 2010 đã tăng từ 20%-25% so với cùng kỳ năm 2009, nhưng chưa phản ánh đúng thực chất của mức tăng giá đầu vào lên tới 50%. Thực tế, DN này vẫn đang phải “gồng mình” để kéo giảm giá bán ở mức thấp nhất nhằm hỗ trợ cho khách hàng cũng như đảm bảo doanh thu theo kế hoạch.

Đối với những nhóm hàng các DN có thể tính toán công khai chi phí đầu vào, đầu ra thì việc tăng giá sẽ làm cho nhà phân phối và người tiêu dùng hết sức thông cảm và chia sẻ. Tuy nhiên, ở một số nhóm hàng khác như rau củ quả, trái cây, thịt heo… mặc dù người bán viện đủ lý do cho việc tăng giá (có loại tăng gấp đôi) nhưng dư luận lại đang đặt dấu hỏi, có hay không việc “té nước theo mưa”? Để khắc phục tình trạng đầu cơ, găm hàng và lợi dụng cơ hội để làm giá, các bộ, ngành chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp về quản lý giá. Nhưng trên thực tế lại chưa có những cách quản lý hữu hiệu đối với giá bán lẻ, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm tươi sống.

Tại nhiều chợ, gần như nhóm hàng này đã và đang được thả nổi. Giá bán bao nhiêu, cân đong đo đếm đủ hay thiếu, tất cả trông chờ vào “cái tâm” của người bán hàng. Nên nhớ lương thực, thực phẩm hiện chiếm gần 40% trong rổ hàng hóa. Nếu không có những biện pháp quản lý giá một cách hữu hiệu, sẽ tác động rất lớn đến đời sống người dân cũng như công tác quản lý vĩ mô.

Do vậy, cùng với các biện pháp chính sách tiền tệ, tài khóa, chính sách thương mại, hơn lúc nào hết chúng ta cần có những phương pháp quản lý giá từ gốc đến ngọn, tức cả từ thị trường bán lẻ. Cách triển khai như thế nào và bắt đầu từ đâu? Vấn đề này xin được chuyển đến các cơ quan chức năng.

Tường Dân

Tin cùng chuyên mục