Tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước đạt 250,5 ngàn tỷ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 50,1% và tăng 5,4%). Tuy nhiên, đây vẫn là một tỷ lệ chưa đáp ứng được kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất lớn vào nguồn đầu tư này.
Để chữa căn “bệnh” chậm giải ngân đầu tư công, phải nhận diện đúng và sửa chữa tận gốc rễ của nhiều vấn đề. Luật Đầu tư công năm 2019 (dưới đây gọi là Luật Đầu tư công, thay thế cho Luật Đầu tư công năm 2014) đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 và 4 nghị định hướng dẫn thi hành đã được ban hành (Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 1-1-2020; Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 1-1-2020; Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6-4-2020; Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25-5-2020) được coi là đã hoàn thiện thêm một bước khung khổ chính sách, pháp luật về đầu tư công.
Tuy nhiên, do đến ngày 1-1-2020 luật mới có hiệu lực nên toàn bộ quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm được quy định cho tất cả các cấp kế hoạch thể hiện qua 9 bước chưa áp dụng cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (sẽ được áp dụng cho xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030), tạo ra sự “khập khiễng” nhất định trong áp dụng pháp luật giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn với triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, ngay cả Luật Đầu tư công 2019 cũng vẫn còn những “khe hở”. Có thể thấy, chủ trương đầu tư, theo quy định của luật, không phải là công cụ sàng lọc ban đầu để lựa chọn dự án đầu tư có chất lượng, có hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất có thể; thậm chí trong một số trường hợp mới chỉ thể hiện ý chí chủ quan của người lãnh đạo, nhưng trên thực tế, đây lại chính là quyết định quan trọng nhất. Quyết định đầu tư và các quyết định tiếp theo (nếu có) chỉ là văn bản pháp lý để thực hiện chủ trương đầu tư, mà thiếu sự đánh giá tác động kinh tế - xã hội một cách khoa học, tính khả thi thấp.
Nhiều chuyên gia gọi đây là “quy trình ngược” trong lựa chọn dự án, nghĩa là việc lựa chọn dự án diễn ra trước khi dự án được thẩm định chứ không phải ngược lại. Việc thẩm định chủ yếu để đảm bảo đúng quy trình và để củng cố thêm cho sự lựa chọn đã được mặc định, thiếu căn cứ khoa học, tính khả thi thấp. Cũng phải nói một cách rất thẳng thắn rằng, Luật Đầu tư công mới với những quy định chặt chẽ, cộng với cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, không khoan nhượng với sai phạm đang được tiến hành rất mạnh mẽ hiện nay cũng khiến một số vị lãnh đạo thiếu bản lĩnh sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, nên không dám quyết đáp.
Tất nhiên, bên cạnh những bất cập từ khung pháp lý kể trên, do việc giải ngân vốn thường gắn với tiến độ dự án, nên chậm giải ngân phản ánh dự án chậm tiến độ - có hàng loạt nguyên nhân “xưa như Trái đất” khác nữa.
Trong bối cảnh cơ cấu phân cấp đầu tư công giữa Trung ương - địa phương ngày càng gần tới mức 60-40 (60% do Trung ương quản lý, 40% phân cấp cho địa phương, trong khi cách đây khoảng 10 năm tỷ lệ này là 80-20), thì vai trò của địa phương đối với các dự án đầu tư công là rất lớn. Thế nhưng, vai trò của các bộ, ngành Trung ương đối với các dự án đầu tư của địa phương cũng không hề nhỏ, như cho ý kiến về chủ trương đầu tư, đánh giá tính khả thi dự án, đề xuất bố trí vốn… Để đảm bảo tiến độ, hiệu quả dự án, quan hệ phối hợp quản lý giữa Trung ương - địa phương cần phải rất hợp lý, nhịp nhàng theo nguyên tắc trách nhiệm phải đi liền với quyền hạn và nguồn lực (phân cấp ngân sách và nguồn lực).
Nói một cách đơn giản là cấp trên không can thiệp vào quy trình ra quyết định của cấp dưới, việc trao quyền đi liền với bố trí đủ, kịp thời nguồn lực; khuyến khích tinh thần tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm. Đi kèm với đó, các thông tin về dự án đầu tư công phải được công bố công khai, đầy đủ, kịp thời, và chính xác, gồm trách nhiệm của các bên thực hiện dự án, các tài liệu về tài chính và quản trị dự án... Đặc biệt là, tiếng nói của người dân phải được lắng nghe và phản hồi thỏa đáng.