Sự kiện “nóng” nhất trong những ngày qua vẫn là quyết định tăng giá điện đầy bất ngờ của Bộ Công thương có hiệu lực từ ngày 1-8. Điều này đã gây nhiều phản ứng trong dư luận, khi trước đó Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói rằng việc tăng giá điện cần phải cân nhắc, minh bạch.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, nhìn nhận: Lộ trình điều chỉnh giá điện hàng năm đã được nêu trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ công bố công khai từ 2 năm trước (Quyết định 24 về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường - PV). Vấn đề đặt ra là điều chỉnh vào thời điểm nào. Việc lựa chọn thời điểm thích hợp cũng là yếu tố cần được tính toán. Tăng giá là việc không ai muốn và là việc chẳng đặng đừng. Và đã tăng giá, dù vào bất kỳ thời điểm nào cũng sẽ có những tác động nhất định đến sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn.
* Phóng viên: Thưa ông, dư luận vẫn không cảm thấy “thoải mái” mỗi lần tăng giá điện. Có ý kiến cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần phải công khai, minh bạch các số liệu tính toán và lý giải rõ ràng các nguyên nhân tăng giá để người dân rõ. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
* Ông NGUYỄN TIẾN THỎA: Tôi đồng tình và chia sẻ với quan điểm này. Muốn tạo được sự đồng thuận trong xã hội, yêu cầu phải công khai, minh bạch, nâng cao tính giải trình là nhân tố rất quan trọng. Luật pháp cũng đã quy định rõ điều này. Cụ thể, tại Điều 6 Luật Giá đã quy định cả cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cơ quan thông tin truyền thông… đều phải có trách nhiệm công khai thông tin về giá.
* Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho cao, sức mua của người dân còn yếu, việc tăng giá vào thời điểm này liệu có hợp lý và nếu đã tăng cần phải như thế nào?
* Tăng giá điện vào thời điểm hiện nay cũng là việc bắt buộc phải làm và việc tăng giá vừa qua, theo tôi được biết là cũng đã được tính toán để làm sao giảm đến mức thấp nhất những tác động đối với nền kinh tế. Chính vì vậy, mức tăng 5% cũng chỉ bằng khoảng 50% của mức cần phải điều chỉnh, đồng thời mức tăng đó cũng không ảnh hưởng đến những hộ có mức tiêu thụ điện từ 0 đến 50kWh. Mặt khác, nhà nước vẫn đang thực hiện nhiều biện pháp khác để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh giải quyết tình trạng nợ xấu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giảm tồn kho như các biện pháp hỗ trợ về thuế, lãi suất, thị trường…
* Từng là lãnh đạo cơ quan quản lý về giá cả và nay là Hội Thẩm định giá, ông đánh giá thế nào về tác động của việc tăng giá điện đến chỉ số giá tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến các mặt hàng khác?
* Đợt tăng giá lần này sẽ mang về khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ nay đến hết năm. Điều đó cũng đồng nghĩa nền kinh tế phải tăng chi thêm ngần đó. Trong đó, các ngành sản xuất sẽ chi phí thêm khoảng 1.800 tỷ đồng. Đồng nghĩa rằng, chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tăng và đẩy giá thành sản phẩm tăng ở mức độ nhất định, gây áp lực đẩy giá sản phẩm đầu ra tăng. Tuy nhiên, giá đầu ra có tăng được hay không và ở mức độ nào còn tùy thuộc vào nhiều nhân tố tác động như: cung - cầu; các biện pháp tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp; biện pháp kiểm tra, kiểm soát và bình ổn giá của nhà nước.
Đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo tính toán của chúng tôi, giá điện tăng 5% sẽ tác động trực tiếp ở vòng 1 làm tăng CPI khoảng 0,123% cộng với tác động của việc điều chỉnh giá một số hàng hóa khác thì khả năng CPI tháng 8 sẽ tăng khoảng 0,5% và cả năm sẽ khoảng 7%, nếu không có những đột biến tác đông bất lợi về giá cả các mặt hàng thiết yếu thế giới, khả năng cân đối về tài khóa, tiền tệ ở trong nước.
* Cảm ơn ông!
NGỌC QUANG (thực hiện)
- Thông tin liên quan: