Giá điện và những câu chuyện không cũ

Theo tính toán của một lãnh đạo công ty thủy điện, đang tồn tại một nghịch lý giữa giá điện và nước sạch với cùng một nguyên liệu đầu vào là nước. Nếu như để sản xuất ra 1 kWh điện phải mất khoảng 4m³ nước (tùy vào từng thiết kế nhà máy) nhưng giá 1 kWh điện chỉ có mức giá bình quân là hơn 1.200 đồng, trong khi giá nước lên đến vài ngàn đồng/m³. Một so sánh như vậy để thấy đang có những cách nhìn khác nhau về hai mặt hàng quan trọng đối với kinh tế, xã hội này.

Một lãnh đạo Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD) cho biết, sau một thời gian đàm phán mua 49% cổ phần của DHD không thành, tập đoàn chuyên về đầu tư thủy điện của Na Uy – lớn nhất tại châu Âu - đã quay trở lại để đàm phán mua gần 25% vốn điều lệ của DHD.

Nhận định về việc nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) muốn đầu tư vào DHD, ông này cho biết, khi họ muốn tham gia vào thị trường phân phối điện tại Việt Nam, để xây dựng một nhà máy điện sẽ tốn rất nhiều thời gian cũng như cần phải có một lượng vốn lớn. Tuy nhiên, trên cơ sở giá trị thực của các nhà máy thủy điện với giá trị suất đầu tư trên 1 kWh thì nếu mua bằng mức giá khởi điểm (14.000 đồng/CP) là khá rẻ, chỉ bằng khoảng 2/3 so với chi phí xây dựng nhà máy mới.

Hai ví dụ trên cho thấy, rõ ràng, dù giá điện ở Việt Nam hiện còn thấp so với mặt bằng ở nhiều nước và mức tăng giá vừa qua được nhìn nhận là chưa đủ hấp dẫn NĐTNN, nhưng họ vẫn nhìn Việt Nam như một thị trường đầy tiềm năng khi mà nguồn cung luôn thiếu hụt.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia trong ngành, việc mua cổ phiếu của các doanh nghiệp điện trong khi giá cổ phiếu này cũng đang rẻ là con đường ngắn hơn cả để tham gia thị trường Việt Nam. Và khi các NĐTNN tham gia nhiều vào những nhà máy điện thì sức ép về đưa giá điện tiếp cận với thị trường sẽ ngày càng lớn hơn.

Việc dần đưa giá điện theo thị trường, có lộ trình là cần thiết vì nhiều lý do mà quan trọng trong đó là tính đúng, đủ các chi phí tránh bao cấp tràn lan. Bộ Công thương cho biết, cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá điện tự động theo cơ chế thị trường. Thời gian tới, khi Thủ tướng phê duyệt cơ chế này, giá điện sẽ có cơ sở điều chỉnh linh hoạt hơn, phản ánh được chi phí đầu vào.

Tính đúng, tính đủ các yếu tố để đưa mặt hàng điện về với giá trị của nó là cần. Song người tiêu dùng cũng cần biết những yếu tố làm nên chi phí của ngành điện ra sao như: chi phí đầu vào cho sản xuất, phân phối, truyền tải và phát điện lỗ đến đâu… thì họ mới dễ chấp nhận những phương án điều chỉnh đưa ra.

Còn nhớ, trong một báo cáo chuyên đề về EVN được thực hiện cách đây 4 năm, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra, giá bán điện bình quân cao hơn gần 83 đồng/kWh so với giá thành sản xuất, song theo báo cáo kiểm toán, trong năm 2007, EVN vẫn lỗ nặng vì kinh doanh điện. Hay cơ quan này cũng cho rằng, cơ cấu giá điện bộc lộ một số điểm bất hợp lý, chi phí sản xuất điện của các công ty con và điện mua ngoài cao hơn nhiều so với công ty mẹ, tỷ lệ tổn thất điện năng cũng cao hơn so với kế hoạch đề ra…

Năm 2011, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục kiểm toán EVN. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ, việc kiểm toán nhằm làm rõ các chi phí cấu thành giá điện để xác định xem việc tăng giá điện vừa qua có hợp lý không. Nếu chi phí là do quản lý yếu kém, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiến độ thi công nhà máy điện chậm trễ, thiết bị điện hư hỏng thì sẽ đề nghị có phương án yêu cầu điều chỉnh giá điện cho phù hợp.

Việc minh bạch hóa giá thành điện là việc làm cần thiết để đi đến một thị trường điện cạnh tranh lành mạnh hơn. Cũng để từ đó, EVN và người tiêu dùng không phải ấm ức, phản ứng với nhau mỗi khi đề cập đến trách nhiệm xảy ra thiếu điện hay giá điện ở Việt Nam đã hợp lý hay chưa.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục