Đạo đức xã hội đang bị thử thách nghiêm trọng bởi sự tác động của nhiều yếu tố. Gần như có một mối quan hệ nhân quả giữa biểu hiện đạo đức trong gia đình và đạo đức ngoài xã hội. Thật khó có người hiếu kính với cha mẹ mà lại không có lòng nhân, sẵn sàng tước đoạt tài sản, tính mạng của người khác; thật khó có người thật sự quý trọng anh em mà lại sẵn sàng thượng cẳng tay hạ cẳng chân với người khác; thật khó có người thật lòng yêu quý vợ/chồng mình mà dễ dàng dan díu với vợ/chồng người khác… Cũng như vậy, một người hay hỗn hào với cha mẹ, xấc láo với anh em sẽ khó lễ phép, lịch sự với người ngoài; một người không biết quan tâm, lo lắng cho người thân thật khó biết giúp đỡ, chăm sóc cho người khác… Nếu xảy ra điều khó đó, thì thường xảy ra hai tình huống: hoặc là người ta đang đóng kịch hoặc người ta giả vờ với dụng ý không tốt nào đó.
Vì vậy, muốn ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội, bên cạnh việc phải xem trọng giáo dục đạo đức trong nhà trường thì phải thực sự đi từ gia đình. Phải xem gia đình là thành trì trong việc bảo vệ các giá trị truyền thống, trong đó có đạo đức. Đó là phải chú trọng xây dựng nền nếp gia đình tích cực. Mỗi gia đình cần có một nền nếp phù hợp và thực sự tích cực, từ việc tổ chức bữa ăn gia đình, việc xưng hô… cho đến các sinh hoạt, việc quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, gìn giữ các nét đẹp truyền thống…
Một gia đình có tổ chức tốt góp phần hình thành tính kỷ luật, tính cộng đồng trách nhiệm của các thành viên, nhất là các thành viên nhỏ tuổi. Thí dụ, một việc tưởng đơn giản như trong ăn uống, nếu không có một nền nếp thực sự với “ăn trông nồi ngồi trông hướng”, “kính trên nhường dưới”, thì một người có thể trở nên vô duyên, thậm chí là bất lịch sự khi đến ăn ở nhà người khác hoặc ăn tập thể. Một hành vi ăn uống không thể hiện tính giáo dục thì khó có thể thể hiện được những hành vi khác một cách phù hợp chuẩn mực.
Đó là phải quan tâm thực hiện sự gương mẫu của người lớn tuổi. Sự làm gương thực sự có tác dụng hơn nhiều lần những lời dạy lý thuyết suông hay những rao giảng mang tính ép buộc, thậm chí là roi vọt, phạt vạ. Một người cha hay nói tục, chửi thề thực khó dạy con mình ăn nói lịch sự, lễ phép; một người mẹ ăn uống vô độ thì khó dạy con mình ăn nhỏ nhẻ, chừng mực; những người lớn thích bạo lực, thô lỗ thì khó dạy con em mình biết tôn trọng người khác… Sự gương mẫu tự bản thân nó tạo sự lan tỏa, để chính việc chú ý làm gương cũng là một đặc điểm tích cực, để các thành viên nhỏ tuổi của gia đình sẽ tự ý thức để làm gương cho thế hệ nhỏ hơn.
Đó là quan tâm chăm sóc, giáo dục các mầm non của gia đình một cách tích cực. Để các chồi non lớn lên một cách khỏe mạnh, bền vững rất cần sự chăm chút của các thành viên lớn tuổi, không chỉ bằng vật chất mà cả bằng tinh thần, không chỉ bằng chăm sóc theo trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn bằng tình yêu thương đúng mực. Sự quan tâm, chăm sóc đó không chỉ để những chồi non thực sự trưởng thành về thể chất, về trí lực, về tư cách… mà còn hun đúc tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, từ đó phát triển thành sự dấn thân vì nghĩa lớn, sự hy sinh vì lý tưởng cao đẹp… Tức là, những điều tốt đẹp của một con người có thể làm được cho cộng đồng, cho xã hội hầu hết đều bắt đầu từ những gì họ học tập được, nhận được hay sự đối xử mà họ ghi dấu được từ trong gia đình.
Một xã hội được xây dựng từ nhiều gia đình. Nếu mỗi gia đình là những tế bào nhỏ khỏe mạnh thì xã hội có nhiều điều kiện thuận lợi để trở nên khỏe mạnh, tích cực. Ở khía cạnh đạo đức cũng vậy, sự nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp của con người được thực hiện từ trong gia đình thì đó là yếu tố then chốt để xã hội lành mạnh, tiến bộ.
VĂN TÂM