Luật Khiếu nại quy định, trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lên thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Quy định là vậy, song thời gian qua ở một số địa phương gia tăng tình trạng người dân khiếu nại vượt cấp, tạo áp lực cho cơ quan hành chính trong việc tiếp nhận, giải quyết vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền…
Chuyển khiếu nại sang… “kêu cứu” lên trên
Ngày 2-12, chúng tôi nhận được “Đơn kêu cứu lần 7” của bà Vũ Thị Diệu Hiền, ngụ phường 8 (quận 3) về vụ việc bên cạnh khu đất của gia đình bà từ thời chế độ cũ trước năm 1975 đã được cấp bằng khoán công nhận chủ quyền, sau này trở thành lối đi chung của một con hẻm. Thế nhưng, gần đây UBND phường 8 lại công nhận cho một hộ khác xây dựng nhà ở. Bà cho rằng việc làm này là bất hợp pháp, có sự bao che của chính quyền địa phương nên nhiều lần viết đơn kêu cứu gửi UBND TPHCM và lần thứ 7 gửi trực tiếp đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM. “Vẫn biết rằng, một vụ việc đã gần 8 năm rồi vẫn không giải quyết (chứ không phải không giải quyết được) thì dầu có kêu cứu đến ông thì cũng không thể nào ngày một, ngày hai giải quyết xong…”, bà Diệu Hiền viết trong đơn.
Trường hợp khác là vợ chồng ông Tín và bà Hà ở phường Tân Thới Nhất (quận 12). Vụ việc cũng liên quan đến tranh chấp đất đai, dù đã được UBND phường giải quyết lần đầu theo thẩm quyền, thay vì khiếu nại lên cấp trên trực tiếp là UBND quận 12, gia đình bà lại khiếu nại lên Chủ tịch UBND TPHCM. Sau khi nhận đơn, UBND TPHCM trả lại đơn và hướng dẫn ông bà đến cấp có thẩm quyền để nơi đây xem xét, giải quyết. Cho rằng có chuyện “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”, ông bà một mặt khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ, một mặt làm đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến nhiều cơ quan của thành phố và các bộ ngành trung ương kiến nghị xem xét vụ việc. Trong đơn, ông bà còn tố cáo cán bộ cấp dưới làm sai, bao che, tiêu cực, không giải quyết theo quy định pháp luật…
Còn nhiều trường hợp khác tương tự trong số hơn 100 vụ việc khiếu nại thuộc Dự án Khu Công nghệ cao (quận 9), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Chung cư Cô Giang (quận 1), Dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (quận Tân Bình) mà chúng tôi nắm được. Có vụ như trường hợp bà Nguyễn Thị Phương khiếu nại thu hồi đất Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, dù UBND TPHCM nhiều lần giải thích, hướng dẫn các quy định pháp luật trong thủ tục khiếu nại, song gia đình bà vẫn không chấp nhận, tiếp tục khiếu nại lên Chính phủ và các cơ quan trung ương. Hay trường hợp của ông Trần Lực và 47 công dân ở quận 9 khiếu nại thu hồi đất Khu Công nghệ cao, dù UBND TPHCM đã có thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết khiếu nại, song vẫn tiếp tục khiếu nại lên Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương. Nhiều công dân còn chuyển hình thức khiếu nại sang tố cáo, kiến nghị và… kêu cứu khẩn cấp lên cấp trên của cấp ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Nguyên nhân do đâu?
Đó là câu hỏi được nhiều cơ quan chức năng ở các địa phương và bộ ngành trung ương đặt ra khi đánh giá tình trạng gia tăng khiếu nại vượt cấp thời gian qua. Số liệu của Thanh tra Chính phủ năm 2016 đã tiếp nhận 15.135 đơn khiếu nại, trong đó chỉ có 4.112 đơn (chiếm 28,6%) đủ điều kiện về thẩm quyền xử lý, còn lại phần lớn là đơn vượt cấp, sai thẩm quyền, không đúng nội dung…
Đi tìm câu trả lời về tình trạng khiếu nại vượt cấp, qua giám sát ở 6 địa phương (trong đó có TPHCM), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy có hơn 70% vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai, áp giá bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…Tình hình trên cho thấy, công tác quản lý nhà nước về đất đai và việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về đất đai còn nhiều tồn tại, bất cập; chất lượng công tác giải quyết khiếu nại còn hạn chế, vi phạm quy định pháp luật về quy trình, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và áp dụng pháp luật để giải quyết. Ở một số nơi như đánh giá của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong còn có tình trạng cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết khiếu nại thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo; người đứng đầu cơ quan hành chính không thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân định kỳ để kịp thời nắm bắt kiến nghị, phản ánh của người dân. Đây được cho là những nguyên nhân dẫn đến gia tăng khiếu nại vượt cấp thời gian qua và nếu không được chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục kịp thời, tình hình khiếu nại phức tạp, vượt cấp, kéo dài sẽ khó được giải quyết tận gốc.
HOÀI NAM