Giá xăng dầu, điện, vật tư nông nghiệp tăng đã đẩy giá thành nhiều mặt hàng tăng cao, trong khi hợp đồng đã ký; khó vay vốn ngân hàng để mua nguyên liệu chế biến… Những khó khăn này đang đẩy nhiều cơ sở, hợp tác xã và doanh nghiệp (DN) ở TPHCM có nguy cơ trắng tay.
“Bão giá” gây khó doanh nghiệp
Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi) với thương hiệu “Bánh tráng cô gái Củ Chi” không chỉ được biết đến trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước, giúp nhiều hộ dân khá giả. Theo Chủ tịch UBND xã Phú Hòa Đông Nguyễn Thanh Sơn, hơn 50% số hộ trong xã và hơn 5.000 lao động làm nghề với 1.400 lò bánh tráng thủ công, 44 lò tráng bánh máy, mỗi ngày làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông chế biến hơn 38 tấn bánh thành phẩm, trong đó 80% sản lượng xuất khẩu.
Thế nhưng, trong cơn bão giá hiện nay, khi nguyên liệu đầu vào đều tăng, đẩy giá thành sản phẩm lên cao nên việc bán buôn gặp khó khăn, thậm chí bị lỗ. Nhiều hộ dẹp củi, bỏ lò, xếp vạt, đóng cửa tiệm ngày càng nhiều. 3 tháng qua, hơn 40 lò bánh tráng đã đóng cửa do giá bột mì tăng gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái. Chỉ trong 6 tháng, giá bột mì đã tăng đến 3 lần, có lúc lên tới 350.000 đồng/bao (loại 50kg), hiện tại khoảng 320.000 đồng/bao.
Chị Nguyễn Thị Hằng (chủ cơ sở bánh tráng của xã, hàng xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ) cho biết, với 4 lò, cần 240 bao bột mỗi ngày, nhưng đợt hàng vừa rồi lỗ mấy trăm triệu đồng. Với lượng xuất khẩu vài trăm tấn, khi giá nguyên liệu tăng đã ảnh hưởng nhiều đến doanh thu. Nhiều chủ cơ sở xuất khẩu bánh tráng cho biết, dù thương lượng với đối tác để điều chỉnh giá, nhưng không kết quả. Không chỉ các đơn vị xuất khẩu bánh ra nước ngoài mới kẹt với hợp đồng đã ký mà các đơn vị cung ứng bánh tiêu thụ trong nước cũng gặp khó khăn không kém bởi việc không gom đủ hàng để giao do các hộ lẻ không sản xuất.
Theo ông Lê Thế Khải, Chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, không chỉ giá bột mì, giá gạo cũng tăng. Dù đã ký hợp đồng với các siêu thị, nhưng giá nguyên liệu tăng, giá bánh lại không nhích lên được bao nhiêu nên HTX khó cung ứng đủ theo hợp đồng. Nếu mua với giá cao để giao thì HTX sẽ lỗ nặng. Hiện HTX chỉ sản xuất được khoảng 300 - 400kg/ngày, mỗi tháng cung cấp khoảng 15 tấn cho các siêu thị đã là nỗ lực lớn. Sự biến động giá đã làm cho các cơ sở nhỏ, hộ nhỏ lẻ dẹp lò nhanh nhất.
Ngành điều lao đao
Theo tính toán của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), với hơn 250.000 tấn điều thô mua từ đầu vụ, các DN mua không dưới 38.000 đồng/kg, giá thành mỗi tấn nhân điều 1.200 - 1.300 USD, như vậy không thể chào bán dưới 4 USD/pound. Nếu bán với giá trên, mỗi tấn nhân điều DN bị lỗ khoảng 400 - 450 USD. Tuy nhiên, tuần qua, tại buổi họp của Vinacas ở TPHCM, lãnh đạo Vinacas cảnh báo, không ít DN chào bán nhân điều chỉ ở mức 3,65 - 3,7 USD/pound (bằng 0,45kg). Hành động này gây khó, kéo theo dây chuyền đến các DN chế biến hạt điều khác trong ngành. Khi khách hàng nước ngoài lấy mức giá thấp này để trả giá, nếu không có sự can thiệp mạnh tay từ top 20 DN (thuộc nhóm G20) xuất khẩu hàng đầu ngành điều để chấn chỉnh sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản dây chuyền cho cả ngành điều.
Cũng theo nhận định của Vinacas, đây là hậu quả của tình trạng khan hiếm nguồn vốn kéo dài của các DN, nhất là DN nhỏ, không vay được vốn ngân hàng, trong khi thời gian đáo hạn sắp hết, nên có DN tìm cách xoay vòng vốn, tháo vốn để mua nguyên liệu chế biến bán liền. Do vậy, đã có không ít DN chấp nhận bán dưới giá thành để có vốn xoay vòng, hy vọng thu lại những lần bán sau. Nhưng điều này không chỉ DN đó bị lỗ mà còn ảnh hưởng đến sự hoạt động của cả ngành điều.
Tuy nhiên, ngành điều không chỉ gặp khó vốn mà cả về nguyên liệu chế biến. Theo nhận định, đến giữa tháng 5 sẽ kết thúc mùa vụ thu hoạch điều, hiện các DN đã thu mua khoảng 60% sản lượng điều thô trong nước. Để đảm bảo có đủ nguyên liệu chế biến của các nhà máy, ngành điều sẽ phải nhập khoảng 300.000 tấn nguyên liệu, chủ yếu từ các nước châu Phi. Sự bất ổn chính trị, xã hội của nhiều nước châu Phi khiến phải hơn một tháng nữa mới có hàng nhập. Ngay cả lúc đó, việc nhập khẩu cũng sẽ không thuận lợi như hàng năm. Nếu như trước đây chỉ có VN, Ấn Độ nhập khẩu điều từ châu Phi thì năm nay có thêm Brazil, điều này nói lên sự cạnh tranh sẽ mạnh mẽ và gay gắt hơn.
Vinacas cho rằng, giá mặt hàng điều khó có thể giảm trong thời gian tới. Nhưng ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas, cho biết, DN điều đang rất cần vốn để mua tạm trữ, trong khi đó các DN trong nước lại gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, ngay cả khi được vay thì các điều khoản thế chấp, tín chấp… đều rất chặt chẽ khiến DN càng khó tiếp cận. Vinacas sẽ kiến nghị Bộ NN-PTNT gỡ khó bằng cách hỗ trợ nguồn vốn vay tạm trữ, giảm thuế nhập khẩu… giảm bớt phần nào gánh nặng cho DN để cứu cả ngành điều.
CÔNG PHIÊN – ĐẶNG THÀNH