
Cảnh sát Mỹ tuần qua đã bắt một cựu quan chức đại học và một kẻ môi giới trong cuộc điều tra nhiều năm về buôn lậu các bộ phận cơ thể người đã hiến xác cho khoa học. Ở Mỹ hiện vẫn còn thiếu cơ chế giám sát chung với việc kinh doanh bất hợp pháp đang bùng nổ này.
- Nhu cầu tăng vọt

Các sinh viên trường y Bắc Virginia đang thực tập với mô phổi của một người hiến
Ở Mỹ, nhu cầu các bộ phận cơ thể người tăng vọt những năm gần đây. Các xác hiến cho khoa học thường được sinh viên y khoa năm đầu thực hành giải phẫu hoặc các chuyên gia nghiên cứu kỹ thuật giải phẫu mới. Các mô xác cũng dùng trong một số hoạt động y học.
Mỗi năm, có hàng ngàn xác được hiến cho các trường y. Các người hiến thường ký thỏa thuận cho các trường sử dụng xác khi nào thích hợp. Một số trường chia xẻ nguồn xác hiến khi có dư. Ở một số bang như Maryland, có hệ thống điều phối xác hiến giữa các trường.
Hai người mới bị bắt là Henry Reid, nguyên lãnh đạo chương trình xác hiến (WBP) của trường Đại học California, Los Angeles (UCLA), và Ernest Nelson, một tay môi giới. Reid đã bán xác hiến cho Nelson để tay này bán lại hàng trăm bộ phận cơ thể cho hơn 20 cơ sở y khoa tư nhân, công ty nghiên cứu, hãng dược... Xì căng đan này bị phát hiện 3 năm trước.
Điều tra cho thấy, từ năm 1999 đến 2004, những kẻ liên quan đã thu lợi hơn 1 triệu USD từ việc mua bán bất hợp pháp các bộ phận cơ thể lấy từ xác hiến. Xì căng đan này đã đình hoãn chương trình WBP của UCLA cả năm và hệ thống Đại học California phải kiểm tra lại các quy định hiến xác. Từ năm 1950, mỗi năm chương trình WBP nhận khoảng 175 xác hiến cho khoa học nhưng từ năm 2005 chỉ còn nhận 8-15 xác. Trước vụ UCLA, người đứng đầu chương trình hiến xác của Đại học California ở Irvine cũng đã bị sa thải sau vụ bán xương của xác hiến.
- Yêu cầu có cơ chế chung
Tuy Mỹ cấm bán bộ phận cơ thể người để thu lợi, nhưng lại không cấm các nguồn cung cấp thu phí cho việc này. Các chuyên gia ước tính, một thi thể có thể bán được đến hàng trăm ngàn USD nếu sử dụng hết các bộ phận.
Theo giáo sư phẫu thuật Todd R. Olson, trường y Albert Einstein ở New York, cần có một dạng “ngân hàng xác hiến” quốc gia, hoạt động độc lập, theo dõi và phân phối xác hiến cho các nhu cầu nghiên cứu, tương tự cách đã làm trong việc phân phối các cơ quan để cấy ghép. Ông Olson cho rằng, việc giám sát xác hiến sẽ không ngăn được nạn mua bán bất hợp pháp bộ phận cơ thể nhưng vẫn tốt hơn các quy định chồng chéo hiện nay.
Trong những thay đổi cần có, phải tạo cơ chế giám sát ở các trường đại học, nhân viên phải có nhân thân tốt..., theo người phát ngôn của Đại học California, Jennifer Ward. UCLA còn theo dõi bằng cách cho gắn thiết bị phát sóng vào xác hiến. Tuy nhiên, vấn đề là sự tin tưởng của cộng đồng. Theo Ronn Wade, trưởng Hội đồng Giải phẫu bang Maryland, liên quan đến xác hiến là những công việc đằng sau những cánh cửa đóng kín, không được giám sát và kiểm soát, rất dễ gây nghi ngờ trong cộng đồng nếu không có cơ chế rõ ràng.
KHẢ VY (theo AP)