Trong giới startup, chuyện mua bán, sáp nhập… là chuyện thường xảy ra nên việc Grab công bố mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam, là chuyện thường tình. Song dường như sự kiện này khiến không ít người tỏ vẻ lo lắng Grab sẽ độc quyền, mất đi cơ hội được sử dụng phương tiện đi lại ứng dụng công nghệ vốn tiện lợi, đa dạng hơn so với dịch vụ taxi hay xe ôm truyền thống. Tại sao như vậy?
Sau vụ sáp nhập, ứng dụng Uber sẽ hoạt động cho tới ngày 8-4-2018, sau đó người dùng phải chuyển sang sử dụng ứng dụng của Grab. Tuy rằng phía Grab cho hay đối với các dịch vụ như GrabCar và GrabBike vẫn “như xưa”, giá tiền chuyến đi vẫn dựa theo hành trình di chuyển mà khách hàng nhập, cộng với phụ phí giá linh hoạt dựa trên nhu cầu đi lại và lượng xe hiện có trong khu vực vào thời điểm khách đặt xe…, nhưng ai tin rằng đó là sự thật khi Grab… một mình một chợ?
Cùng với việc mua lại Uber, Grab cũng đồng thời công bố mở rộng dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood từ 2 quốc gia hiện có sang tất cả quốc gia Đông Nam Á. Cụ thể là Grab sẽ mở rộng dịch vụ GrabFood tại Indonesia và Thái Lan đến thêm 2 quốc gia nữa là Singapore và Malaysia trong quý này, và theo lộ trình sẽ có mặt tại tất cả quốc gia Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2018. Tức là Grab không chỉ muốn thống nhất thị trường taxi công nghệ mà còn mở ra dịch vụ mới, đây là điều mà các hãng taxi truyền thống trong nước đáng học hỏi, thay vì chỉ loanh quanh lo chuyện kiện tụng như bấy lâu nay (Uber đang đeo đuổi vụ kiện với Cục Thuế TPHCM liên quan đến số tiền truy thu hơn 68 tỷ đồng, còn Grab bị hãng taxi Vinasun đưa ra tòa đòi bồi thường hơn 41 tỷ đồng).
Nhìn lại thời gian qua, sự ra đời của Uber hay Grab tại thị trường Việt Nam là một đòn giáng mạnh mẽ vào taxi truyền thống, sau đó là đến xe ôm. Trước sức tấn công như vũ bão của taxi công nghệ, taxi truyền thống trong nước dần có những điều chỉnh, thể hiện rõ nhất là việc ra đời các ứng dụng đặt xe, thanh toán linh động hơn và cố nâng chất lượng dịch vụ tốt hơn, song dường như nỗ lực chưa quyết liệt lắm. Còn nhớ trong một lần họp báo ra mắt ứng dụng thanh toán qua di động cho một hãng taxi truyền thống, báo giới đặt vấn đề vì sao taxi truyền thống quá lạc hậu, chậm thay đổi mô hình kinh doanh và cả ứng dụng công nghệ thì câu trả lời được hướng đến sự mông lung khác, né tránh chính mình… Thành ra, nhân việc Grab mua lại Uber và công bố mở rộng dịch vụ GrabFood, không chỉ doanh nghiệp vận tải lo lắng mà chính các doanh nghiệp vận chuyển thức ăn nhanh trên thị trường Việt Nam hiện nay cũng sẽ đau đầu. Và liệu sẽ có thêm những doanh nghiệp vận chuyển nào “kêu khóc” trước việc những doanh nghiệp khác làm tốt, chiếm thị trường?
Cần biết rằng, người tiêu dùng giờ thông minh hơn nhiều, nếu dịch vụ của đơn vị nào đó không tốt, kém chất lượng, họ tẩy chay ngay tức thì. Taxi công nghệ sẽ không thể độc quyền sau ngày 8-4 nếu như những dịch vụ của Grab không còn đủ tốt. Nên ở đây cũng có cơ hội lẫn thách thức cho chính Grab và song song đó vẫn đầy cơ hội cho taxi truyền thống nếu chịu thay đổi mạnh mẽ hơn với dịch vụ của mình như phát triển ứng dụng đặt xe qua di động trực quan hơn, trả cước linh hoạt hơn, không tăng cước giờ cao điểm…
Sau vụ sáp nhập, ứng dụng Uber sẽ hoạt động cho tới ngày 8-4-2018, sau đó người dùng phải chuyển sang sử dụng ứng dụng của Grab. Tuy rằng phía Grab cho hay đối với các dịch vụ như GrabCar và GrabBike vẫn “như xưa”, giá tiền chuyến đi vẫn dựa theo hành trình di chuyển mà khách hàng nhập, cộng với phụ phí giá linh hoạt dựa trên nhu cầu đi lại và lượng xe hiện có trong khu vực vào thời điểm khách đặt xe…, nhưng ai tin rằng đó là sự thật khi Grab… một mình một chợ?
Cùng với việc mua lại Uber, Grab cũng đồng thời công bố mở rộng dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood từ 2 quốc gia hiện có sang tất cả quốc gia Đông Nam Á. Cụ thể là Grab sẽ mở rộng dịch vụ GrabFood tại Indonesia và Thái Lan đến thêm 2 quốc gia nữa là Singapore và Malaysia trong quý này, và theo lộ trình sẽ có mặt tại tất cả quốc gia Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2018. Tức là Grab không chỉ muốn thống nhất thị trường taxi công nghệ mà còn mở ra dịch vụ mới, đây là điều mà các hãng taxi truyền thống trong nước đáng học hỏi, thay vì chỉ loanh quanh lo chuyện kiện tụng như bấy lâu nay (Uber đang đeo đuổi vụ kiện với Cục Thuế TPHCM liên quan đến số tiền truy thu hơn 68 tỷ đồng, còn Grab bị hãng taxi Vinasun đưa ra tòa đòi bồi thường hơn 41 tỷ đồng).
Nhìn lại thời gian qua, sự ra đời của Uber hay Grab tại thị trường Việt Nam là một đòn giáng mạnh mẽ vào taxi truyền thống, sau đó là đến xe ôm. Trước sức tấn công như vũ bão của taxi công nghệ, taxi truyền thống trong nước dần có những điều chỉnh, thể hiện rõ nhất là việc ra đời các ứng dụng đặt xe, thanh toán linh động hơn và cố nâng chất lượng dịch vụ tốt hơn, song dường như nỗ lực chưa quyết liệt lắm. Còn nhớ trong một lần họp báo ra mắt ứng dụng thanh toán qua di động cho một hãng taxi truyền thống, báo giới đặt vấn đề vì sao taxi truyền thống quá lạc hậu, chậm thay đổi mô hình kinh doanh và cả ứng dụng công nghệ thì câu trả lời được hướng đến sự mông lung khác, né tránh chính mình… Thành ra, nhân việc Grab mua lại Uber và công bố mở rộng dịch vụ GrabFood, không chỉ doanh nghiệp vận tải lo lắng mà chính các doanh nghiệp vận chuyển thức ăn nhanh trên thị trường Việt Nam hiện nay cũng sẽ đau đầu. Và liệu sẽ có thêm những doanh nghiệp vận chuyển nào “kêu khóc” trước việc những doanh nghiệp khác làm tốt, chiếm thị trường?
Cần biết rằng, người tiêu dùng giờ thông minh hơn nhiều, nếu dịch vụ của đơn vị nào đó không tốt, kém chất lượng, họ tẩy chay ngay tức thì. Taxi công nghệ sẽ không thể độc quyền sau ngày 8-4 nếu như những dịch vụ của Grab không còn đủ tốt. Nên ở đây cũng có cơ hội lẫn thách thức cho chính Grab và song song đó vẫn đầy cơ hội cho taxi truyền thống nếu chịu thay đổi mạnh mẽ hơn với dịch vụ của mình như phát triển ứng dụng đặt xe qua di động trực quan hơn, trả cước linh hoạt hơn, không tăng cước giờ cao điểm…