Giá xăng mới tăng đã… ngấm

Chỉ trong vòng gần một tuần kể từ khi giá xăng tăng, giá hàng hóa tại các chợ bán lẻ đã bắt đầu nóng theo. Trung bình các mặt hàng tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Điều đáng nói là trong khi giá chợ bán lẻ tăng nhưng tại các chợ đầu mối và hệ thống siêu thị giá vẫn chưa tăng, thậm chí có một số mặt hàng giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào. Vậy phải chăng là tại các chợ bán lẻ, các tiểu thương đang “té nước theo mưa?”
Giá xăng mới tăng đã… ngấm

Chỉ trong vòng gần một tuần kể từ khi giá xăng tăng, giá hàng hóa tại các chợ bán lẻ đã bắt đầu nóng theo. Trung bình các mặt hàng tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Điều đáng nói là trong khi giá chợ bán lẻ tăng nhưng tại các chợ đầu mối và hệ thống siêu thị giá vẫn chưa tăng, thậm chí có một số mặt hàng giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào. Vậy phải chăng là tại các chợ bán lẻ, các tiểu thương đang “té nước theo mưa?”

Người tiêu dùng mua hàng ở một chợ truyền thống

Người tiêu dùng mua hàng ở một chợ truyền thống

Chợ bán lẻ có thổi giá?

Lý giải thực tế này, bà Nguyễn Thị Bảy, tiểu thương bán thịt ở chợ Bà Chiểu cho biết, mấy ngày gần đây, các chủ đầu mối hàng cắt giảm khối lượng và nhích giá nên những người buôn bán lẻ cũng phải chủ động tăng giá để bù lại những khoản chi phí. Mặt khác, sở dĩ giá cả ngoài chợ tăng nhanh vì phải ứng phó với việc tăng giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác như xăng dầu, gas. Chị Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương bán hải sản ở chợ Gò Vấp thì thẳng thắn, rau, củ còn tăng giá huống chi là cá, tôm, đó là quy luật mà. Nếu mình không điều chỉnh giá thì lấy tiền ở đâu mà bù vào. Các chị cũng tăng giảm theo thị trường thôi.

Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, tại các chợ đầu mối nông sản, do lượng hàng về nhiều nên giá một số loại rau, củ, quả giảm nhẹ như: khổ qua, đậu cove, cà chua, dưa leo, bầu, bí xanh, củ cải trắng,… giảm từ 1.000-3.000đ/kg. Giá thịt heo giảm mạnh (10.000-20.000đ/kg tùy từng loại). Còn thịt gà, thịt bò và thực phẩm khô có giá tương đối ổn định so với tuần trước.

Còn tại hệ thống siêu thị Co.opMart, ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc chuỗi Co.opMart khẳng định, thị trường giá xăng dầu tăng từ 7-3 nhưng tới thời điểm này, giá cả tại Co.opMart vẫn ổn định. Chúng tôi cũng chưa nhận được đề nghị tăng giá của nhà cung cấp nào. Tuy nhiên, Co.opMart cũng đã tính toán đến những tình huống này nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng. Khi nhà cung cấp có văn bản đề nghị tăng giá, Co.opMart sẽ kiểm tra tính hợp lý của việc tăng giá, trên cơ sở đó mới đồng ý áp dụng mức giá mới hay không. Bên cạnh đó, Co.opMart cũng tính toán đến những biện pháp tiết kiệm chi phí lưu kho, vận chuyển nhằm không ảnh hưởng đến giá của hàng hóa. Hiện Co.opMart đã chủ động dự trữ một lượng hàng lớn để tránh tình trạng tăng giá đột ngột. Kinh nghiệm từ những lần tăng giá xăng dầu trước, từ khi nhận được đề nghị tăng giá của nhà cung cấp, Co.opMart sẽ giữ mức giá cũ từ 30 – 45 ngày mới áp dụng giá mới. Tuy nhiên tại một số chợ bán lẻ thì hầu hết giá cả các mặt hàng lại có chiều hướng tăng lên từ 3.000- 10.000đ/kg tùy loại (xem bảng giá).

Khổ cho người tiêu dùng

Trao đổi với chúng tôi về sự khác biệt này, ông Đào Sỹ Long, Phó ban Quản lý chợ Tân Định, quận 1 cho biết, đúng là hiện nay, giá cả một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau, thịt, chanh… ở các chợ có tăng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là có một số mặt hàng bị khan hiếm nguồn cung. Mặt khác, trong quá trình vận chuyển thường phải trừ hư hao nên họ phải điều chỉnh giá để bù lại những khoản chi phí cho việc hàng hóa bị hư hại. Một lý do khác nữa là tăng giá theo tâm lý chung. Giá xăng dầu tăng đã tác động một phần nhỏ đến tâm lý của người bán, xăng tăng thì giá hàng hóa cũng phải tăng.

Chị Trần Cẩm Nhung, nhà ở đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) cho biết, gia đình chị có 4 người trước đây chi tiêu cho một bữa ăn cũng chỉ khoảng 50.000đ, nhưng nay với số tiền này thì không đủ mua 1kg thịt. Giá cả tăng cao làm cho sinh hoạt của gia đình chị gặp nhiều khó khăn. Bởi thu nhập của hai vợ chồng một tháng cũng chỉ được gần 4 triệu đồng, trong khi đó, giá cả nhiều thứ khác cũng tăng chóng mặt như giá gas, giá xăng dầu, đó là chưa kể đến tiền điện, tiền nước cũng đang rục rịch tăng. Giá cả cứ tăng cao và liên tục thế này chỉ còn biết “thắt lưng buộc bụng thôi”. Niềm vui được đi chợ lo bữa ăn cho gia đình nay lại trở thành một gánh nặng…

Cùng tâm trạng với chị Nhung, cô Hoàng Thị Nhiên (cư ngụ trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp) cũng chia sẻ: người tiêu dùng chúng tôi không chỉ lo về giá cả tăng cao mà còn lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo cô, các mặt hàng như thịt, cá… bày bán ngoài chợ không đảm bảo vệ sinh, nhiều tiểu thương buổi sáng bán không hết, mang về chiều lại mang ra bán. Nhiều khi thực phẩm đã bị ôi thiu mà người tiêu dùng vẫn phải mua. Thực phẩm không an toàn, giá lại cao hơn nhiều so với siêu thị chỉ có những người dân nghèo mới là người chịu khổ. Tuy nhiên khi được hỏi tại sao không vào siêu thị để mua với giá rẻ hơn thì cô chỉ cười, không phải ai cũng có điều kiện đi mua hàng siêu thị, nhất là với những gia đình phải chạy cơm từng bữa như nhà cô.

Để khắc phục những tình trạng này, theo ban quản lý chợ Tân Định thì chỉ biết đã yêu cầu các tiểu thương niêm yết giá bán, bán đúng giá, không nói thách, phải để bảng giá cụ thể trên các kệ hàng. Mặt khác, vận động các tiểu thương bán giá thấp hơn, kêu gọi với tinh thần bình ổn giá chung của TPHCM. Đồng thời cũng khuyến khích các tiểu thương tìm nhiều giải pháp chống tăng giá đừng để khách hàng quay lưng lại với chợ truyền thống. Đặc biệt, hàng hóa bán ra phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Và đây cũng là giải pháp chung đang được Ban Quản lý các chợ truyền thống trên điạ bàn thành phố như chợ Bà Chiểu, Gò Vấp, Bình Tây… áp dụng.

Riêng về phía Sở Công thương TPHCM cho biết, để đảm bảo sản phẩm bình ổn đến được tay người tiêu dùng, năm 2011 sở đã phối hợp với 20 doanh nghiệp tổ chức hơn 2.500 điểm bán với 9 nhóm mặt hàng tham gia bình ổn. Hiện sở sẽ triển khai tích cực phối hợp với Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp phụ nữ phát triển mạng lưới phân phối với mô hình “Cửa hàng Co.op” và “Tiệm tạp hóa thanh niên”; đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại), hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, ưu tiên phát triển khu vực ven, ngoại thành như Bình Chánh, Nhà Bè, quận 9, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi; phủ kín 15 khu chế xuất, khu công nghiệp đều có cửa hàng bình ổn giá..

>> Bảng so sánh tăng giá các mặt hàng tại các chợ bán lẻ trên điạ bàn thành phố:

LAN THƯƠNG

Tin cùng chuyên mục