Trong giới điện ảnh nước ta, cụm từ “phải thoát ao làng tiến ra biển lớn” đã trở nên thông dụng đến mức cấp nào, vị trí lớn bé nào cũng nhắc đến mỗi khi đăng đàn phát biểu. Nhưng câu hỏi thoát cách nào, thoát ra sao… dường như vẫn không có câu trả lời, vẫn chỉ luẩn quẩn thề thốt trong cái ao làng, nói để “tự sướng” là chính và rốt cuộc đành ngậm ngùi rằng nếu khó thế thì trước tiên cứ “ta về ta tắm ao ta”. Và giấc mơ ra biển lớn, cụ thể là gặt hái những thành công quốc tế tại các liên hoan phim danh giá như Cannes, Berlin, Venice… hay chỉ mon men đến vòng đề cử giải Oscar thôi, cũng mãi là giấc mơ đẹp.
Nhiều năm trước, khi bộ phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng lọt vào vòng đề cử tốp 5 của giải Oscar cho thể loại “phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” thì nhiều người đã hoan hỷ coi là thành tựu vĩ đại của điện ảnh nước nhà. Nhưng nhìn nhận thấu đáo mới thấy đó không phải là tác phẩm thuần Việt, đơn giản là đạo diễn gốc Việt từ Pháp về làm thơm lây cho “ao làng” điện ảnh Việt. Năm rồi chúng ta cũng có gửi phim Trúng số dự thi Oscar 2015, là một bộ phim thương mại có chút tính nhân văn, giản dị, hài hước, song rất tiếc đã trượt ngay từ… vòng gửi xe.
Cùng cảnh ngộ là các phim trước đó như Chuyện của Pao, Áo lụa Hà Đông, Đừng đốt, Khát vọng Thăng Long, Mùi cỏ cháy… - những phim đến giới chuyên môn và đông đảo khán giả Việt còn dè dặt đánh giá về chất lượng, thì nói chi phải thuyết phục cho được các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ bỏ phiếu cho mình.
Không so sánh đâu xa, chỉ nhìn sang nước bạn Campuchia thôi cũng thấy trong lĩnh vực phim ảnh chúng ta đang tụt hậu xa lắc. Lấy đơn cử bộ phim tài liệu The Missing Picture do Campuchia sản xuất, được đề cử phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar 2014 đã gây tiếng vang, bởi vấn đề đặt ra mang tính toàn cầu, bởi ngôn ngữ điện ảnh độc đáo (với nhân vật, bối cảnh bằng đất nặn), bởi cách kể chuyện khiến khán giả xúc động tận tâm can. Phải nói điện ảnh Việt trong những năm gần đây chưa có phim nào đạt tầm như vậy. Và nói vậy để thấy đã đến lúc chúng ta không thể tự hài lòng với doanh thu “khủng” trên thị trường nội địa của những bộ phim hài chọc cười dễ dãi thuần túy mang tính giải trí . Đó là sự xuống cấp trầm trọng trong thị hiếu của cả người xem và người làm phim.
Điện ảnh chính là bom tấn để hủy diệt các định kiến không hay về cách ứng xử thô lậu, chộp giật, mất nhân tính…của một bộ phận không nhỏ người Việt xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng trong và ngoài nước, để phô diễn một nền văn hóa độc đáo hàng ngàn năm khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Khi Brie Larson, cô đào điện ảnh đoạt giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong Oscar năm nay xuất hiện tại Mỹ với áo phông quảng bá cho động Phong Nha, với chùm ảnh mặc áo thổ cẩm, ăn phở trong lúc đóng phim Kong: Skull Island quay tại Việt Nam, thế giới đã chứng kiến Việt Nam có những di sản thiên nhiên tuyệt đẹp làm mê mẩn lòng người ra sao. Nhưng như thế vẫn chưa đủ để chúng ta ngẩng cao đầu bước ra khỏi biên giới.
Ở nhiều quốc gia, phim ảnh luôn đi cùng và nhiều khi đi trước các mặt hàng tiêu dùng xuất khẩu. Hàn Quốc là một ví dụ khi các bộ phim được tung ra, từ phim truyền hình đến phim truyện điện ảnh đều tạo hiệu ứng mạnh mẽ, bắt khán giả phải khóc cười cùng thần tượng trong phim, từ đó bắt chước lối sống ấy, trang phục ấy, kiểu tóc ấy, ăn món ăn ấy…Nói chung là phải Hàn Quốc hóa mọi sinh hoạt đời thường. Mà chúng ta đâu có biết từ thời còn nghèo đói, người Hàn đã nuốt nước mắt cắn răng đi lên. Sau khi đứng vững được về kinh tế họ ngay lập tức lo phát triển văn hóa, đặc biệt là điện ảnh, bằng cách gửi hàng ngàn sinh viên ra nước ngoài, đặc biệt là sang Mỹ đào tạo. Họ học ngày học đêm, học từ sáng tác kịch bản, diễn xuất, công tác đạo diễn, trang phục, đạo cụ… Và kết quả là Hàn Quốc có một nền công nghiệp điện ảnh phát triển, lan tỏa mạnh mẽ như chúng ta biết hôm nay.
Trong quá khứ, điện ảnh cách mạng Việt Nam từng đem về những vinh quang đáng nể trọng trong các liên hoan phim quốc tế tầm cỡ, như các phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Cánh đồng hoang… nhưng gió đã đổi chiều từ khi chúng ta hội nhập với thế giới. Ngoài một số bộ phim độc lập của các đạo diễn như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, còn lại các phim khác cũng chỉ quanh quẩn chiếu rạp “ao làng”. Tất nhiên không thể chỉ nhấm nháp quá khứ và đã tới lúc chúng ta dồn sức cho một bộ phim do người Việt làm, chiếu cho người Việt nhưng mang tầm toàn cầu. Đó là đòi hỏi tiên quyết. Muốn làm được phải có tư duy cùng thời đại, phải thay đổi toàn bộ cách thức dò dẫm lâu nay. Công chúng điện ảnh đang kỳ vọng và mơ một ngày nào đó có một người Việt sẽ là chủ nhân của một pho tượng Oscar.
BÍCH AN