Mới đây, trong phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã đặt niềm tin rằng Việt Nam có thể tổ chức Olympic. Sau lời phát biểu này, cộng đồng thể thao đa số đều nhận định, dường như bộ trưởng quá lạc quan về thể thao nước nhà.
Bộ trưởng nói về niềm tin ấy sau khi gặp người đồng nhiệm đến từ Anh quốc, nơi vừa tổ chức thành công Olympic 2012, cũng là nơi đã chứng kiến thể thao Việt Nam thất bại khá toàn diện. Ngài bộ trưởng đến từ Anh quốc chia sẻ rằng, việc tổ chức một đại hội lớn như Olympic thật ra không quá phức tạp và Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt với những điều kiện hiện nay.
Dựa trên cơ sở đó, có thể nói phần trả lời chất vấn và niềm tin của bộ trưởng tại Quốc hội vừa rồi không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, để làm được điều đó, ngành thể thao và kể cả các lĩnh vực khác thuộc Bộ VH-TT-DL không thể cứ có niềm tin là có thể nghĩ đến chuyện tổ chức Olympic.
Bởi một điều đơn giản, để tổ chức một đại hội lớn nhất toàn cầu như Olympic chỉ cần thuê công ty tổ chức sự kiện hàng đầu thế giới là có thể làm được. Ngay cả vấn đề tài chính để thuê công ty như thế cũng chẳng khó, chỉ cần chọn đúng công ty tiếp thị, tài trợ xứng tầm. Thế nhưng, để làm được 2 việc tưởng chừng đơn giản ấy lại vô cùng phức tạp, khó khăn nếu xét về năng lực quản lý của ngành thể thao hiện nay. Mà đã không đủ kinh nghiệm để quản lý, làm sao có thể giúp các công ty ấy tổ chức thành công sự kiện?
Một ví dụ sát sườn, quanh việc tổ chức sự kiện CLB Arsenal sang Việt Nam du đấu. Một sự kiện mang tính chất quan trọng như thế mà ngay khâu đầu tiên của quá trình tổ chức là thuê địa điểm thi đấu cũng đã có chuyện không hay. Chính LĐBĐ Việt Nam còn không đủ khả năng đàm phán giá cả, khiến đối tác là ban quản lý sân Mỹ Đình bắt chẹt, phải nhờ đến sự can thiệp của bộ chủ quản mới xong. Không khó để nhận thấy, quá trình chuẩn bị sơ sài, khả năng phối hợp không cao và có vẻ VFF không đánh giá hết sự phức tạp của sự kiện nên dẫn đến chuyện làm mất uy tín cho chính mình.
Hơn thế, qua sự việc trên lại thấy không hề có bóng dáng một đơn vị chuyên tổ chức sự kiện đứng ra đảm trách mà hình như VFF là nơi làm trực tiếp. Thế mới có chuyện, đến nay những khâu như quảng cáo, quảng bá cho sự kiện trên tại Việt Nam vẫn chưa thấy, trong khi phía đối tác Arsenal đã quảng bá cho chính Việt Nam bằng một đoạn clip quảng cáo nhà nghề.
Quá trình xử lý thông tin trong vụ giá thuê sân cũng không có bóng dáng một công ty truyền thông chuyên nghiệp nên sự việc không hay ho này lọt đến giới truyền thông quốc tế, gây tiếng xấu cho bóng đá Việt Nam. Người biết việc thì chép miệng: VFF còn tổ chức không nổi V-League, phải nhờ Công ty VPF kia mà!
Cái gì làm chưa được, hãy đi thuê. Đã thuê được đối tác tốt, cần có năng lực quản lý. Chuyện đó ai cũng biết, nhưng với ngành thể thao, lại chưa chắc. Nói rộng hơn, Việt Nam không thiếu cơ sở để tin rằng chúng ta có thể tổ chức được Olympic, nhưng điều quan trọng nhất là liệu chúng ta có đủ khả năng đánh giá hết tầm vóc và có đủ năng lực quản lý sự kiện hay chưa. Với những thực tế hiện tại, câu trả lời là chưa.
Vì thế, dù đã giành quyền đăng cai Asiad 2019 (về quy mô chỉ bằng phân nửa so với Olympic) nhưng từ nay đến thời điểm đó nếu không có những bước chuyển mạnh về tư duy và năng lực quản lý, mối lo về công tác tổ chức vẫn cứ mãi ám ảnh.
VIỆT QUANG