Giải bài toán khó

Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII cho biết: Dự kiến, năm 2014 cơ bản đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã đề ra. Trong 14 chỉ tiêu kế hoạch có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, chỉ có một chỉ tiêu không đạt (là tỷ lệ lao động qua đào tạo, đạt 49% so với kế hoạch 52%).

Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, các ngành các giới trong bối cảnh cục diện chính trị và kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều thách thức, luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn khó lường. Tuy nhiên, dự phóng về năm 2015 - năm bản lề của kế hoạch 10 năm 2011 - 2020, năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XII và xây dựng kế hoạch 5 năm tiếp theo, nhiều người bày tỏ mối quan ngại, lo lắng.

Cho rằng năm nay nước ta đạt chỉ tiêu tăng trưởng (5,8%) và sang năm đạt tiếp kế hoạch dự kiến (6,2%) thì bình quân tốc độ tăng GDP giai đoạn 2011 - 2015 cũng chỉ đạt 5,78% so với kế hoạch đề ra 6,5% - 7% và thấp xa so với giai đoạn 2004 - 2010 (6,32%). Chỉ tiêu chủ yếu GDP không đạt trong bối cảnh tích lũy và xuất phát điểm nền kinh tế thấp vừa tạo sức ép thị trường việc làm, lao động trong nước; vừa làm tăng nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước trong bối cảnh hội nhập. Và nếu không có chính sách, giải pháp kích hoạt hiệu quả phục hồi tăng trưởng, không chỉ mục tiêu đặt ra giai đoạn 2011 - 2015 không đạt, mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch tổng quát của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tăng trưởng thấp những năm qua có yếu tố khách quan do diễn biến tình hình kinh tế thế giới không thuận, đặc biệt là do tác động khủng hoảng kinh tế thế giới 2008. Tuy nhiên, đến nay nhiều nước đã vượt thoát khủng hoảng, từng bước ổn định, chu kỳ suy giảm ngắn. Trong khi đó, với các chỉ số nêu trên, nước ta vẫn chưa lấy lại đà tăng trưởng và có thể nói suy giảm kinh tế vẫn phát tác trên diện rộng, chưa được chặn đứng một cách căn cơ: 9 tháng đầu năm 2014 số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525 nhưng có đến 51.244 doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản, 18.873 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động; trong đó hiện nay có một số doanh nghiệp quy mô trung bình hoặc lớn không thể tiếp tục cầm cự, trên đà phá sản đã tác động xấu đến việc làm, tăng trưởng, gây bất an xã hội.

Mặt khác, hiện nay có 213.000 doanh nghiệp kê khai lỗ, không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Chỉ số hàng tồn kho 9 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng 13,4%, cao hơn so với năm 2013...

Suy giảm kinh tế nước ta ngoài tác động ngoại lai còn do sự yếu kém nội tại bộc lộ rõ nét: Tăng trưởng dựa vào vốn, khai thác tài nguyên khoáng sản, lao động giá rẻ; không dựa trên năng suất các yếu tố tổng hợp, hiệu quả đồng vốn; thiếu các ngành kinh tế mũi nhọn có hàm lượng khoa học công nghệ cao... Chính vì vậy, sau khi đề ra mục tiêu chủ yếu kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, Đảng và Nhà nước đã điều chỉnh, chủ trương “không câu thúc chỉ tiêu tăng trưởng” mà thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, đến nay, năm áp chót của kế hoạch 5 năm tiến trình này vẫn diễn ra chưa như kỳ vọng: “Tái cơ cấu nền kinh tế vẫn còn chậm. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Tốc độ đổi mới công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu. Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo và tỷ trọng dịch vụ trong GDP còn thấp so với các nước trong khu vực. Doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu” (Trích Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp Quốc hội thứ 8, ngày 20-10-2014).

Nhận diện yếu kém là rõ ràng nhưng vấn đề đặt ra là do đâu, ai chịu trách nhiệm về thực trạng này. Và đó cũng là những bài toán khó cần hóa giải, cấp thiết thực thi. Bởi lẽ, bước đi của ta quá chậm nhưng cuộc sống không chờ đợi ai, nhất là trước thềm năm mới 2015 với các cơ hội mở ra: Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC)... Không sửa được những nhược điểm cố hữu, Việt Nam càng thua thiệt và tụt hậu xa hơn trên sân chơi chung toàn cầu, chứ đừng nói đến cơ hội bứt phá, phát triển.

Bây giờ cũng đã đến lúc ta không nên “dựa” và viện dẫn vào yếu tố tác động ngoại lai bất lợi tác động vào nền kinh tế nước nhà. Bởi lẽ, thông tin mới nhất từ WB, IMF, UNTAD, ECB... là kinh tế thế giới vẫn chưa thể phục hồi chắc chắn, tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng năm 2015. Đối sách của ta là gì, giải bài toán yếu kém nội tại như thế nào để thích nghi, tồn tại?

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục