Giải bài toán thiếu nhà trẻ

Chưa bao giờ xã hội lo lắng, phụ huynh bất an khi đưa con trẻ đi nhà trẻ, trường mầm non như hiện nay. Không chỉ vì gần đây xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ ở các điểm trường tư thục, nhóm trẻ gia đình mà chính ở các trường công lập, các cháu cũng khó… yên thân. Lo lắng không khác gì phụ huynh, nhiều cô giáo mầm non đang bở hơi tai khi sĩ số trẻ trong lớp ngày càng tăng. Có lớp sĩ số trẻ lên đến gần 70 học sinh.

“Hôm nay em đến trường…” của cô lẫn trò không còn là ngày vui nữa mà là “đánh vật” với nhau trong bối cảnh chật hẹp, tù túng. Chỉ lo các cháu ăn đủ, uống đủ, an toàn là các cô đã mừng rồi, nói chi đến chuyện phát triển trí tuệ toàn diện, lớn nhanh như Thánh Gióng. Sự quá tải của bậc học mầm non đã đến lúc báo động đỏ!

Số liệu của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trong tổng số 700 trường mầm non có 407 trường công lập, 289 trường ngoài công lập. Ngoài ra, còn có hơn 1.400 cơ sở nhóm, lớp mầm non tư thục.

Như vậy trường mầm non công lập hiện chỉ đáp ứng được cỡ 50% nhu cầu gửi trẻ của người dân thành phố, đồng nghĩa với việc 50% số trẻ khác phải học ở trường tư thục và các nhóm trẻ gia đình. Rất đông công nhân, viên chức lao động có thu nhập thấp buộc phải “nhắm mắt đưa chân” gửi con trong các nhóm trẻ gia đình kém chất lượng, nơi mà số lương ít ỏi, tụt hậu có thể chịu đựng được. Và trong những nơi giữ trẻ đó, cơ sở vật chất yếu kém, lực lượng bảo mẫu không có kiến thức, thiếu chuyên môn đã trở thành nguy cơ tiềm ẩn xảy ra những sự cố đáng thương mà khi chứng kiến qua clip, truyền hình mọi người đều không cầm được nước mắt.

Câu hỏi đặt ra chúng ta phải làm gì để giải quyết căn bệnh trầm kha thiếu chỗ học cho trẻ mầm non từ nhiều năm nay. Phải nhìn nhận TPHCM đi đầu cả nước trong việc đầu tư xây dựng trường lớp và cũng là địa phương đầu tiên giải quyết được chế độ phụ trội cho giáo viên mầm non. Thành phố luôn dành hơn 20% tổng ngân sách để chi thường xuyên cho giáo dục, tuy nhiên áp lực dân nhập cư ngày càng đông luôn đẩy việc xây trường dựng lớp vào thế khó, luôn thiếu trường lớp phục vụ cho thế hệ tương lai.
 
Năm 2010 là năm triển khai đề án phổ cập trẻ 5 tuổi đến trường hướng đến mục tiêu năm học 2014 - 2015, nâng lên 95% trẻ 5 tuổi được học hai buổi/ngày, 100% trẻ trong các cơ sở mầm non được học chương trình giáo dục mầm non mới, 100% giáo viên dạy trẻ mầm non 5 tuổi đạt chuẩn về trình độ đào tạo...

Để đạt được chỉ tiêu này, thành phố cần tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp, cụ thể đẩy nhanh xây dựng 12 dự án trường mầm non công lập tại các quận 4, 6, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Hóc Môn thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt nhiều năm nay nhưng chưa triển khai. Cần thiết bỏ bớt những thủ tục rườm rà liên quan đến nhiều sở ngành làm một dự án kéo dài hàng chục năm.

Thành phố vẫn còn hơn 100 ngôi trường từ nội thành đến ngoại thành có điểm lẻ, có trường có đến 9 điểm lẻ. Điều đáng nói là những điểm lẻ này không đúng quy cách lớp học vì chỉ có một vài phòng, thiếu phòng y tế, phòng chức năng, sân chơi cho trẻ. Có những điểm ngay mặt tiền đường rất có giá trị nếu thanh lý sẽ thu được hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Với số tiền này, các quận huyện chỉ cần chọn một điểm phù hợp, có diện tích đáng kể để đầu tư xây trường đạt chuẩn. Giải pháp này góp phần làm tăng chỗ học cho trẻ, xóa bớt những trường, lớp tạm bợ, tiến đến xây dựng những ngôi trường ra trường,lớp ra lớp.

Mặt khác, quá trình đô thị hóa đã hình thành nhiều khu dân cư mới nên cần có văn bản pháp lý rõ ràng quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, khu dân cư phải kèm theo trường học. Nếu làm được điều này, bài toán thiếu trường lớp có thể được sớm giải quyết. 

LÊ LINH

Tin cùng chuyên mục