Giải cứu hay giải phẫu cá tra?

Hiện nay câu chuyện cá tra ở ĐBSCL lại “nóng lên” với những chuyện cũ rích: giá cá sụt giảm bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất. Nông dân “tố” doanh nghiệp câu móc đè giá, doanh nghiệp “tố ngược”: tại nông dân giữ cá chờ giá, đến khi giá giảm thì ùn nhau bán, có doanh nghiệp còn viện dẫn cá tra quá lứa khó mua… Nói những chuyện này cũ rích vì những nguyên nhân này đã lặp đi lặp lại trong 10 năm qua mỗi khi cá tra tăng hoặc giảm giá.

Sau thời gian tiêu điều vì giá rớt, cách đây khoảng 3 tháng giá cá tra từ mức 20.000 đồng/kg vọt lên 28.000 đồng/kg, cứ ngỡ vị trí cá tra đã phục hồi ổn định và phát triển bền vững sau một thời gian dài người nuôi treo ao. Thế nhưng, việc giá cá đột ngột giảm trong tháng 6-2011 đã tạo ra cú “nấc cục” nguy hiểm cho việc khôi phục vùng nguyên liệu nuôi cá tra ở ĐBSCL.

Nói nguy hiểm, bởi trong 3 năm qua vùng nguyên liệu nuôi cá tra ở ĐBSCL rơi vào cảnh tiêu điều, không chỉ người nuôi treo ao hoặc chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác, mà doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng thiếu nguyên liệu trầm kha. Thực tế, giá cá tra xuất khẩu có giảm nhẹ, nhưng rất nhỏ. Không phải doanh nghiệp mà cả người nuôi cá cũng đang gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn tín dụng để sản xuất. Nhưng thật khó hiểu khi doanh nghiệp viện dẫn lý do cá ứ đọng do doanh nghiệp cần “ăn hàng” cá nhỏ, trong khi cá nông dân đã quá lứa!?

Một số doanh nghiệp đổ lỗi do nông dân giữ cá chờ giá mới dẫn tới tình trạng này. Câu hỏi đặt ra, nông dân có giữ cá như doanh nghiệp nói không? Tất nhiên có nhưng số này không nhiều. Phần lớn nông dân đều biết những rủi ro luôn rình rập trong nghề nuôi cá tra, khi được giá là họ bán ngay không dại gì trữ cá để gánh thêm tiền thức ăn, lãi suất tiền vay… Các doanh nghiệp cam kết sẽ nâng giá mua cá tra từ 24.000 đồng/kg lên 26.000 đồng/kg (cá từ 800 – 850 gram/con) trong tháng 7-2011, sau khi Ủy ban Cá nước ngọt họp khẩn. Nói là thế, song hãy đợi đấy vì từ trước tới nay kiểu kinh doanh “ăn xổi ở thì” đã tiêm nhiễm sâu vào một số doanh nghiệp trong vùng.

Với định lượng mua cá từ 800 – 850 gram/con của doanh nghiệp đưa ra, sẽ không ít nông dân “ôm hận” vì nhiều ao cá đã vượt trọng lượng này. Lần này, có thể Chính phủ sẽ không họp giao ban trực tuyến nóng như cách đây vài năm để “giải cứu” cá tra tồn đọng, nhưng cũng rất cần một cuộc họp nóng để “giải phẫu” những “ung nhọt” trong chuỗi giá trị cá tra hiện nay.

Cách đây gần 3 năm, khi giá cá tra ở mức 13.000 – 14.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 1.000 – 2.000 đồng/kg, các tỉnh ĐBSCL có nuôi cá tra đã đề nghị Chính phủ xem cá tra là sản phẩm chiến lược quốc gia. Đề nghị này đã được tiếp nhận, theo đó trong đề án quy hoạch tổng thể ngành cá tra, cá basa đến năm 2020, Chính phủ xem những sản phẩm chế biến từ cá tra, cá basa là mặt hàng chiến lược của ngành nông nghiệp Việt Nam. Chính vì thế, cần nhanh chóng hiện thực hóa những cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi, điện… để phát triển sản xuất, đảm bảo người nuôi, doanh nghiệp và ngân hàng hài hòa quyền lợi.
 
Trước mắt, doanh nghiệp và nông dân phải liên kết để tạo dựng được nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, trong đó cần phải tạo được lòng tin “cùng hội, cùng thuyền”. Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) nên phát huy vai trò trong cách điều hành, cần đưa ra giá sàn mua cá, giá sàn xuất khẩu. Đồng thời, giám sát và có biện pháp chế tài nhất định đối với những doanh nghiệp “xé rào” bán phá giá cá tra thấp hơn giá sàn như vừa qua.

Thậm chí, VASEP nên xem xét đến khả năng điều phối thị trường dựa trên những tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp đã xây dựng để phân phối thị trường hợp lý. Tránh tình trạng tốn nhiều chi phí xây dựng các tiêu chuẩn nhưng hợp với thị trường EU nhưng lại “việt vị” ở thị trường Mỹ!

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục