Nhu cầu của xã hội về ngành kỹ thuật - công nghệ cho phát triển kinh tế xã hội rất cấp thiết nhưng thực tế cung lại không đủ cầu. Trong khi đó, các trường ĐH-CĐ đào tạo những ngành này lại hết sức đìu hiu khi người học không mặn mà. Nghịch lý thiếu - thừa nhân lực ngành kỹ thuật - công nghệ cùng những giải pháp đã được các chuyên gia gióng lên hồi chuông cảnh báo tại hội thảo do Khu Công nghệ cao TPHCM và Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn tổ chức ngày 31-7 với chủ đề “Vì sao nên học các ngành công nghệ”.
Nghịch lý thiếu – thừa
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2010 có 2,1 triệu sinh viên đang theo học tại các trường ĐH, CĐ trên cả nước, trong đó, 75,5% sinh viên thuộc hệ đào tạo chính quy. Ngoài Hà Nội, TPHCM nơi có số lượng các trường ĐH-CĐ nhiều thứ 2 với 69 trường, quy mô đào tạo khoảng 769.000 sinh viên, trong đó riêng khối ngành kỹ thuật - công nghệ có trên 138.000 sinh viên, chưa kể các trường ĐH, CĐ đang mọc lên như nấm.
Đặc biệt, từ 2010 - 2011, người có nguyện vọng học ngành công nghệ kỹ thuật tăng gấp 1,5 lần so với năm 2009. Từ đó dẫn đến số lượng sinh viên ngành kỹ thuật ra trường cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Có khoảng 55.000 - 60.000 sinh viên tốt nghiệp hàng năm và lĩnh vực công nghệ chiếm 40%.
Nhưng thực tế cho thấy, thị trường lao động TP trong thời gian qua luôn thiếu lao động qua đào tạo có trình độ tay nghề giỏi, số lao động có trình độ tay nghề thấp hoặc chưa qua đào tạo chiếm đến 59% tổng số lao động. Trong khi đó, nhiều nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn như công nghệ hàn, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ thực phẩm… lại không tuyển được người.
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, về nhu cầu tìm việc làm của 10.000 sinh viên từ năm 2009 - 2012, có khoảng 80% sinh việc có việc làm sau khi ra trường nhưng đến 50% trong số đó là làm trái ngành nghề, thu nhập thấp, không ổn định và có thể phải chuyển việc khác.
Điển hình tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHP), tuy là một trong 3 khu công nghệ cao (CNC) quốc gia do Chính phủ thành lập, nhưng theo báo cáo của Ban quản lý SHP, lao động có trình độ phổ thông làm việc trong SHP chiếm hơn 76% (13.397 lao động). Trong khi đó, số lao động có trình độ ĐH chỉ có 11,9%. Nếu so sánh với các khu CNC của các nước lân cận, rõ ràng có sự chênh lệch quá lớn.
Cụ thể, Khu CNC Tân Trúc (lãnh thổ Đài Loan) lao động có trình độ phổ thông chiếm chưa đến 5%, còn lại phần lớn là trình độ ĐH trở lên, chiếm gần 60%. “Theo quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp của TP đến năm 2025 sẽ phải có khoảng 40 khu công nghiệp - khu chế xuất và một số khu CNC.
Vì thế, theo dự báo, nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ (từ trung cấp đến ĐH), đặc biệt là nguồn nhân lực đã qua đào tạo có trình độ cao trong thời gian tới là rất lớn”, ông Dương Văn Tâm, Phó ban Quản lý Khu CNC nhận định.
Giải pháp ở chính sách
Trước khi đi tới giải pháp, GS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM) gửi tới hội thảo một ví dụ sinh động để cảnh báo: “Năm 1957 khi Liên Xô phóng vệ tinh cả nước Mỹ hoảng loạn vì trình độ kỹ thuật công nghệ của Nga đã vượt Mỹ. Ngay lập tức Mỹ đã vạch ra chiến lược phát triển khoa học công nghệ… Đến năm 2006, Mỹ kỷ niệm 50 năm thực hiện chiến lược và đưa ra báo động: sinh viên Mỹ theo học những ngành kỹ thuật công nghệ chỉ có mười mấy phần trăm. Sau đó, một đạo luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua để phát triển chiến lược khoa học công nghệ.
Trong chiến lược có 3 nội dung và 2 nội dung đầu tập trung vào chính sách ưu tiên, đầu tư vào khoa học công nghệ. Nội dung thứ 3, Mỹ lôi kéo người học giỏi từ những nước nghèo, những nước đang phát triển sang Mỹ học những ngành khoa học kỹ thuật...
Đi vào thực tế của Việt Nam, GS Phạm Phụ khẳng định: “Nước ta là nước đang phát triển nên rất cần phát triển kỹ thuật công nghệ. Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, chúng ta chưa dự báo và chưa có chính sách tốt để phát triển lĩnh vực này. Vì vậy, vấn đề tại sao trong một thời gian dài ngành cơ khí, kỹ thuật – công nghệ không tuyển được sinh viên là vấn đề Nhà nước và những nhà hoạch định chính sách phải quan tâm”.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng: “Chúng ta liên tục nâng cấp từ trường trung cấp lên CĐ rồi từ CĐ lên ĐH. Từ ĐH mơ lên ĐH chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Thế nhưng tỷ lệ sinh viên trên 1 vạn dân của Việt Nam chỉ ở mức 210/vạn dân và còn thua xa với các nước đã hóa rồng như Hàn Quốc, Singapore. Và dù có đạt được 450/vạn dân để mong hóa rồng chúng ta vẫn chưa đủ, phải chú trọng chất lượng nguồn nhân lực. Hiện chính sách vĩ mô về nguồn nhân lực vẫn chưa có”.
Nói thêm về phần chính sách vĩ mô, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, băn khoăn: “Nghịch lý thiếu - thừa (thiếu chất lượng, thừa số lượng) chúng ta nói hoài và riết rồi không biết lỗi tại ai. Vậy nên, trước hết doanh nghiệp cần phải nói thật mình cần gì, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH cũng cần ngồi lại thống nhất với nhau để cùng đưa ra một chính sách cụ thể chứ không thể kiểu mạnh ai nấy làm như hiện nay” .
THANH HÙNG – TƯỜNG HÂN
Phối hợp đào tạo nhân lực khoa học vũ trụ Ngày 31-7, tại Hà Nội, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) và Trung tâm Vệ tinh quốc gia (VNSC) đã ký biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác về hoạt động đào tạo, nghiên cứu và cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ. Theo đó, USTH và VNSC sẽ cùng phối hợp xây dựng, phát triển và thực hiện các đề tài nghiên cứu phù hợp trong lĩnh vực khoa học vũ trụ. Cán bộ VNSC sẽ được tạo điều kiện tham gia các chuyên đề và môn học của chương trình thạc sĩ ngành Công nghệ vũ trụ và ứng dụng tại USTH với mức học phí ưu đãi. Về phía VNSC sẽ dành ít nhất 5 vị trí làm việc mỗi năm tại VNSC cho các sinh viên USTH tốt nghiệp chương trình thạc sĩ ngành Công nghệ vũ trụ và ứng dụng. L.NGUYÊN |