Giải đáp - tư vấn

(Nguyễn Ngọc, quận 8).

*Trẻ 1-2 tuổi cần ăn bao nhiêu thức ăn và ăn loại thực phẩm gì để đảm bảo đủ dinh dưỡng? (Nguyễn Ngọc, quận 8).

°Đáp: Bữa ăn chính của trẻ cần có đủ 4 nhóm thực phẩm: bột, béo, đạm, rau. Nhóm bột (gồm gạo, bột, khoai, bắp, mì, nui…) cung cấp phần lớn nhu cầu năng lượng, 1/2 nhu cầu protein cho trẻ. Mỗi bữa trẻ cần 25g-30g các loại thực phẩm trên (tương đương 2,5-3 muỗng canh). Nhóm béo (dầu, mỡ, bơ…) là nguồn thức ăn giúp thỏa mãn nhu cầu năng lượng cao trong khi dung tích của dạ dày của trẻ có hạn.

Cho thêm 1– 2 muỗng cà phê dầu hoặc mỡ vào mỗi chén thức ăn của trẻ. Nhóm đạm (sữa, trứng, thịt, cá, tôm, cua, lươn, đậu đỗ…). Mỗi bữa trẻ cần khoảng 2-3 muỗng cà phê băm nhuyễn các thức ăn trên, ăn cả xác. Nước thịt cá, nước hầm xương hầu như không có đạm. Nhóm rau củ, trái cây: cung cấp vitamin và chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Mỗi chén thức ăn của trẻ nên có một nắm lá rau hoặc củ tán nhuyễn hay băm nhỏ (tương đương 2-3 muỗng cà phê). Cho trẻ ăn luôn cả xác vì một số sinh tố chỉ có ở trong xác rau củ.

Ngoài 3 bữa chính trong ngày (bột, cháo, cơm nát), cho bé ăn thêm 2 – 3 bữa phụ. Sữa mẹ vẫn cung cấp 20%-30% nhu cầu của trẻ 1-2 tuổi. Nếu đã cai sữa mẹ, bé cần được uống thêm 2 - 3 ly sữa bột mỗi ngày, tương đương 500ml sữa. Nếu bé không thích sữa, có thể thay bằng yaourt, sữa đậu nành, bánh, chuối, chè, khoai 2-3 lần/ngày. Bữa ăn phụ không nên cách bữa ăn chính trong vòng 1-1,5 giờ, vì sẽ làm cho bé “ngang dạ”. Thức ăn cần được thay đổi, chế biến đa dạng để giúp bé ngon miệng. Nên dùng những thức ăn sẵn có tại gia đình để thuận tiện hơn cho mẹ và trẻ cũng được đổi món luôn.

BS TRẦN THI

°Con tôi 12 tuổi, hầu như lúc nào rảnh cháu cũng dán mắt vào quyển truyện tranh hoặc máy tính, ti vi. Cần làm gì để bảo vệ đôi mắt cho cháu? (Trần Thị Bích, Q7)

°Đáp: Để bảo vệ đôi mắt cho cháu, cần tuân thủ một số nguyên tắc: Luôn đảm bảo đủ ánh sáng khi học. Nên dùng đèn điện dây tóc có chụp phản chiếu. Góc học tập bố trí gần cửa sổ. Ánh sáng phải chiếu từ phía trước mặt lại hoặc từ bên trái sang; tránh ngồi sấp bóng. Tư thế học tập đúng: nhồi thẳng lưng, hai chân khép, hai bàn chân để ngay ngắn sát nền nhà, đầu cúi 10-15 độ.

Khoảng cách từ mắt đến sách vở trên bàn học đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (và người lớn) lần lượt là 25cm - 30cm - 35cm. Chữ viết trên bảng và trong sách vở phải đúng quy cách, rõ nét. Không viết mực đỏ, mực xanh lá cây. Không đọc sách có chữ quá nhỏ in trên giấy vàng hoặc đen.

Chế độ nghỉ ngơi mắt hợp lý: khi học ở nhà, cứ sau 1 giờ lại nghỉ giải lao 5-10 phút. Khi xem ti vi không nên ngồi quá gần hay quá xa màn hình. Không xem tivi quá 45-60 phút/lần. Khi sử dụng máy vi tính, vị trí đặt máy, tư thế của trẻ, khoảng cách giữa màn hình máy vi tính và mắt trẻ phải hợp lý.

Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý cho mắt: hạn chế sử dụng máy vi tính quá nhiều. Nên dùng màn chắn trước máy tính. Cần có chế độ sinh hoạt ngoài trời hàng ngày để mắt được điều chỉnh cho thích hợp với môi trường. Bảo đảm ngủ đủ 8-10 giờ/ngày. Không nằm, quỳ để đọc hoặc viết bài. Không đọc khi đang đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay.

Cho trẻ khám mắt định kỳ 6 tháng/lần tại các cơ sở chuyên khoa hoặc khi thấy trẻ có những dấu hiệu: nhìn xa không rõ, thấy chữ viết hoặc hình vẽ trên bảng mờ mờ; hay quay hoặc nghiêng đầu, nheo mắt hay khép, che một mắt để nhìn; cúi đầu sát xuống cuốn sách hay bàn khi đọc và viết; chớp hoặc dụi mắt quá mức. Cho trẻ ăn nhiều hoa quả để bổ sung đầy đủ các loại vitamin cần thiết cho mắt như A, E, C, nhóm B…

BS HẢI VÂN

Tin cùng chuyên mục