Cuối tuần qua, dù là thứ bảy nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ vẫn tổ chức hội nghị trao đổi hoạt động của HĐND các tỉnh thành ĐBSCL về thúc đẩy liên kết vùng nhằm bàn thảo những vấn đề cần nhanh chóng tháo gỡ. Thật ra, câu chuyện liên kết vùng đã được các bộ, ngành trung ương, các địa phương… đưa ra bàn bạc rất nhiều lần tại nhiều hội thảo khác nhau, song mọi tiến triển cứ diễn ra ì ạch. Lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề với HĐND các tỉnh, thành về những hoạt động nhằm thúc đẩy liên kết vùng - điều đó cho thấy vấn đề liên kết vùng đang trở nên vô cùng bức bách.
Không bức bách sao được, khi mà ĐBSCL được mệnh danh là vựa lúa, vựa trái cây và vựa thủy sản của cả nước; hàng năm đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu gạo, trái cây và thủy sản. Thế nhưng, ĐBSCL lại là vùng trũng về giáo dục, y tế, yếu kém về hạ tầng giao thông, nền nông nghiệp đang chậm phát triển và có nguy cơ tụt hậu. Bên cạnh đó, sự tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu gây ra những thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của hàng triệu hộ dân. Ngoài ra, áp lực về hội nhập quốc tế đã và đang đến gần, buộc ĐBSCL phải thay đổi trong cách nghĩ, cách làm nếu không muốn “tự thua” trên sân nhà.
GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng: “Hơn chục năm nay, ĐBSCL rơi vào dạng tụt hậu bởi các mô hình sản xuất chậm đổi mới. Đáng lo ngại là tình trạng “mạnh ai, nấy làm” đã dẫn đến cạnh tranh nội bộ, tranh mua, tranh bán, tranh nhau thu hút đầu tư… Thậm chí có trường hợp triệt hạ nhau không đáng có. Nguyên nhân cũng vì thiếu sự liên kết”. Cùng băn khoăn trên, giám đốc một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra ở Tiền Giang bức xúc: “Ai cũng biết cá tra là sản vật mà trời ban tặng cho vùng sông nước ĐBSCL, là sản phẩm độc quyền của Việt Nam trên thế giới. Thế nhưng do không có sự liên kết giữa các địa phương trong quy hoạch và phát triển, người nuôi và doanh nghiệp thiếu hợp tác, các nhà máy cạnh tranh tiêu cực hạ giá bán - chế biến sản phẩm kém chất lượng… từ đó đẩy cá tra vào cảnh khốn đốn trong nhiều năm qua”. Hay như ĐBSCL một thời “bùng nổ” du lịch sinh thái miệt vườn. Từ Tiền Giang sang Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ… đâu đâu cũng bạt ngàn các điểm du lịch sinh thái miệt vườn. Thế nhưng, du khách chỉ cần đến một tỉnh là có thể biết hết các nơi khác, bởi hầu hết các điểm du lịch sinh thái miệt vườn đều na ná nhau. Vậy là chẳng mấy chốc đã khiến du khách nhàm chán. Mọi việc cũng vì bởi thiếu liên kết và cạnh tranh theo kiểu “anh có gì, tui có nấy”.
Trở lại câu chuyện liên kết để phát triển ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL nói chung, đã được ngành chức năng hoạch định và đưa ra bàn thảo nhiều lần nhưng vẫn chưa có lời giải, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, có sự thiếu gắn kết giữa các địa phương, chưa có cơ chế rõ ràng, chính sách lan tỏa toàn vùng, thiếu nhạc trưởng… Đặc biệt là tư duy của mỗi tỉnh còn chú trọng vào lợi ích riêng của địa phương mình, ai cũng cố gắng “kéo” mọi nguồn lực để phát triển cho riêng tỉnh mình. Một lãnh đạo ở tỉnh Đồng Tháp đặt vấn đề: “Ai cũng thấy cái lợi của việc “mua chung, bán chung, dùng chung” sẽ tiết kiệm được nhiều về chi phí, nhưng khi thực hiện thì vẫn khó. Nếu chúng ta không hợp tác với nhau thì làm sao nông nghiệp thoát ra được cái “bẫy sản xuất nhỏ” khiến chi phí cao, chất lượng thấp, không đủ số lượng lớn, đồng đều, quanh năm, để mở rộng thị trường. Không hợp tác lại thì làm sao xây dựng được thương hiệu tập thể cho nông sản… Điều này mọi người nhận ra, tuy nhiên khi chỗ này mới bắt đầu manh nha chuyện hợp tác thì chỗ kia lại muốn rã ra. Mọi việc cũng bởi nếp nghĩ “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy mần” đã ăn sâu và đến lúc cần mạnh dạn thay đổi. Bởi “buôn có bạn, bán có phường” trong khi mình cứ muốn “một mình một chợ” thì làm sao cạnh tranh nổi trong thời buổi toàn cầu hóa, hội nhập hiện nay”.
Trong lúc chuyện liên kết vùng ĐBSCL còn đang loay hoay trên giấy thì điều đáng mừng là mới đây, tỉnh Đồng Tháp đứng ra tiên phong xây dựng đề án liên kết “tiểu vùng Đồng Tháp Mười”. Theo đó, vùng Đồng Tháp Mười thuộc 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang có nhiều điểm tương đồng về sản xuất nông nghiệp, điều kiện tự nhiên… tuy nhiên chưa quản lý tốt việc khai thác tài nguyên, chuỗi giá trị hàng nông sản bị đứt đoạn, sản phẩm thiếu thương hiệu và uy tín trên thương trường quốc tế… Do đó, việc 3 tỉnh liên kết nhằm xây dựng và phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp; đồng thời thống nhất về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên bền vững trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu và hội nhập. Cuối tháng 9-2016, đề án liên kết “tiểu vùng Đồng Tháp Mười” đã được 3 tỉnh ký kết trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Tại buổi ký kết, lãnh đạo tỉnh An Giang đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng đề án liên kết “tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên”, bởi 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ có điều kiện tương đồng nhau. Gần đây, Bộ NN-PTNT cùng các bộ ngành liên quan đã có những chuyến đi thực tế và làm việc với các “cụm tỉnh” của ĐBSCL như các tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau, các tỉnh thuộc Đồng Tháp Mười, các tỉnh thuộc Tứ giác Long Xuyên… nhằm tìm ra những thế mạnh chung, điều kiện tương đồng… từ đó đi đến thống nhất các nội dung về liên kết.
Các chuyên gia kinh tế và các nhà khoa học cho rằng, mọi sự liên kết đều xuất phát từ lợi ích chung của các bên tham gia và một khi lợi ích này được phân chia hợp lý thì mới bền vững. Trong khi đề án liên kết vùng ĐBSCL với 13 tỉnh thành chậm thực hiện, thì việc liên kết “tiểu vùng” như Đồng Tháp Mười vừa ký kết được cho là hướng đi tích cực, sát thực tế, sát với nhu cầu bức thiết của từng tỉnh. Một khi liên kết “tiểu vùng” làm tốt thì việc liên kết vùng sẽ dễ thực hiện hơn…
HUỲNH PHƯỚC LỢI